Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Lâm Đồng còn 2.000 tỷ đồng chưa phân bổ. Chính vì vậy, tỉnh này đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính trình Chính phủ giao nguồn vốn này để thực hiện Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc…
Sáng 29/3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng). Ảnh minh họa
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 giao cho tỉnh Lâm Đồng là hơn 9.404 tỷ đồng.
Đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ vốn chi tiết cho 38 dự án với tổng số vốn hơn 6.356 tỷ đồng, trong đó số dự án được giao đủ vốn để hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025 là 35 dự án với tổng số vốn hơn 5.457 tỷ đồng và số dự án được giao vốn khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2025, chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030 là 3 dự án với tổng số vốn hơn 899 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã phân bổ vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn hơn 1.047 tỷ đồng.
Như vậy, số vốn chưa phân bổ là 2.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tại Phụ lục II Văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã dự kiến giao số vốn này cho dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đã Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022.
Vì vậy, để có cơ sở triển khai dự án trong năm 2023, Lâm Đồng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho dự án này với số vốn 2.000 tỷ đồng từ số vốn chưa phân bố của tỉnh.
Như ThuonggiaOnline đã thông tin, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương được xác định là dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang dồn toàn lực để triển khai hai đoạn cao tốc này.
Đối với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo đơn vị chuẩn bị dự án PPP (Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh) và các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và lộ trình đối với từng nhiệm vụ cụ thể, xác định thời gian thực hiện và hoàn thành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, quyết tâm khởi công dự án trong tháng 9/2023.
Đối với cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt quyết tâm khởi công dự án trong năm 2023. Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng đặt ra mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để có thể khởi công sớm hơn là trong tháng 9/2023.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2022, có chiều dài khoảng 66km, trong đó 11km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; 55km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng).
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động).
Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022, có tổng chiều dài dự kiến gần 74km, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.521 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng là 4.000 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.764 tỷ đồng và vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương là 2 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 2 đoạn này được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì triển khai. Đoạn còn lại là Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện cũng đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào 9/2022 với tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng.