Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam với 60 công ty liên quan.
Cụ thể, nguyên đơn của vụ việc là Liên minh Ủy ban thương mại sản xuất năng lượng mặt trời Hoa Kỳ. DOC cho biết, thời kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đề xuất là năm 2023, điều tra thiệt hại trong thời gian 2021-2023.
Theo số liệu hải quan Hoa Kỳ, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm 2023 là 4,2 tỷ USD. Theo đó, mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng 26% trong tổng nhập khẩu pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ (cao nhất trong số những nước cáo buộc).
Đáng chú ý, biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đạt gần 271,5%, cao nhất trong 4 nước bị cáo buộc gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Campuchia.
Do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế, do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất pin mặt trời.
Bên cạnh đó, những nội dung về trợ cấp cũng đáng chú ý.
Điển hình, nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu pin mặt trời Việt Nam đã nhận được 31 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể/đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo sản xuất pin mặt trời tại Việt Nam
Các chương trình trợ cấp bị cáo buộc thuộc các nhóm như sau.
Nhóm các chương trình cho vay ưu đãi, bao thanh toán, bảo lãnh xuất khẩu với lãi suất, cho vay ưu đãi “tín dụng xanh” của bốn ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV), tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các chương trình hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước;
Nhóm các chương trình ưu đãi thuế gồm các chương trình về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư mới, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho dự án năng lượng mặt trời, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu vào khu công nghiệp, miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu nhập khẩu cho doanh nghiệp chế xuất và nằm trong khu chế xuất;
Nhóm các chương trình ưu đãi về đất như miễn giảm tiền thuê/thuế hoặc phí sử dụng đất và mặt nước cho các ngành được khuyến khích, doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ưu đãi về đất cho các dự án năng lượng mặt trời;
Ngoài ra, cùng nằm trong nội dung trợ cấp bị cáo buộc, nguyên đơn đề cập tới nhóm hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Trung Quốc trong Sáng kiến Một vành đai - Một con đường và nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc có giá thấp hơn giá thông thường.
Liên minh Ủy ban thương mại sản xuất năng lượng mặt trời Hoa Kỳ đề nghị áp dụng quy định mới mới về trợ cấp xuyên quốc gia của Hoa Kỳ (có hiệu lực từ 24/4/2024). Theo đó, nguyên đơn cáo buộc các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Việt Nam cũng được hưởng lợi từ trợ cấp xuyên quốc gia của Chính phủ Trung Quốc.
Công ty pin Trung Quốc muốn xây thêm nhà máy 400 triệu USD tại Việt Nam
Nguyễn Cảnh