Đây là nhận định của Chứng khoán Bảo Việt sau khi đánh giá một số yếu tố liên quan đến thị trường lãi suất ngân hàng trong tháng 1/2023...
Cụ thể, tại Báo cáo vĩ mô tháng 1/2023, Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, với mặt bằng lãi suất cao, khu vực bất động sản gặp khó khăn và triển vọng kinh tế kém tích cực, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 13%. Trong khi đó, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2023 sẽ ở mức 14-15%.
Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, dựa theo khảo sát và theo dõi của đơn vị này, lãi suất huy động trong tháng 1/2023 tiếp tục tăng thêm 7 bps, lên mức 8,49%. Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng đã tăng 268 bps so với cùng kỳ. Mức lãi suất huy động hiện tại đã cao hơn so với mặt bằng trước dịch Covid-19.
Tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ khó đạt kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước do tác động của nhiều yếu tố. Ảnh: Internet
Thậm chí, khảo sát của Chứng khoán Bảo Việt còn cho thấy, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng đầu năm 2023 và có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. "Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, chúng tôi cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng", Chứng khoán Bảo Việt đánh giá.
Đơn vị này cũng kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý 2/2023 khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,5%, cao hơn hạn mức tăng trưởng tín dụng đặt ra đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 1,5% so với hạn mức sau khi đã nới room. Trước đó hồi đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng từng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, phía Ngân hàng Nhà nước chịu nhiều áp lực về vấn đề room tín dụng khi vừa phải ổn định vĩ mô nhưng vẫn phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, mức tín dụng năm 2022 đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường là hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Cơ cấu dòng vốn tín dụng tiếp tục được tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong khi tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Mục tiêu năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước vẫn là điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính vì vậy, việc phân bổ room tín dụng cho từng ngân hàng vẫn luôn được dựa trên nguyên tắc: Ưu tiên cấp hạn mức cao hơn cho các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt. Nhóm 4 ngân hàng (VPBank, MBBank, HDBank và Vietcombank) tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.
Khi thay đổi chính sách điều hành room tín dụng hài hòa hơn, thị trường sẽ có khó diễn ra giai đoạn tín dụng tăng cao như nửa đầu năm 2022. Ngay từ cuối năm 2022, giới chuyên gia và một số đơn vị đã nhận định rằng, xu hướng tăng trưởng tín dụng sẽ rơi vào mức dưới 14% khi thị trường bất động sản vẫn kém khả quan đồng thời tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc.
Ngay trong chiều nay (6/2), có thông tin cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức cuộc họp với một số tổ chức tín dụng để nghe báo cáo về tình hình cho vay bất động sản. Mục tiêu là ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Đối với tăng trưởng tín dụng, việc dòng vốn có thể được "đổ" vào thị trường bất động sản có ý nghĩa quan trọng.