Người tiêu dùng phải bồi thường nếu có thiệt hại từ việc đưa thông tin sai sự thật

Ngoài việc bồi thường, người tiêu dùng còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra...

Đó là một trong những nội dung được bổ sung vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được đưa ra tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án luật này, diễn ra chiều 5/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tại Hội nghị, cho ý kiến về việc bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhiều đại biểu đề nghị rà soát bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đặc biệt là kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với Cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo phù hợp và cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, thay đổi từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ”, rà soát điều chỉnh tương ứng trong các điều, khoản liên quan.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều 5 theo hướng phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Điều chỉnh trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng theo hướng không quy định lại trách nhiệm chung mà các đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh đều phải tuân thủ, chỉ quy định về trách nhiệm gắn liền với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.

Cụ thể, khoản 2 Điều 39 được chỉnh lý như sau: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 37, Điều 38 của Luật này và Mục 2 Chương III trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục”.

Chỉnh lý một số điểm tại khoản 3 Điều 39 để phù hợp với thực tiễn kinh doanh, không làm phát sinh trách nhiệm, chi phí bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Theo đó, bổ sung trường hợp loại trừ trong việc thực hiện trách nhiệm hiển thị nội dung phản hồi, đánh giá tại điểm d như sau: Cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh, đồng thời hiển thị kết quả phản hồi, đánh giá đó, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm các quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Ngoài những nội dung trên, tại Hội nghị các đại biểu cũng cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác. Trong đó có khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3). Với quy định này, nhiều ý kiến đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật vì trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại. Việc quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, có ý kiến lại nêu quan điểm không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng” vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp và trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng và thể hiện một phương án theo loại ý kiến thứ nhất như trong dự thảo Luật (khoản 1 Điều 3).

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.