Kết luận sau 3 ngày nhóm họp tại Nhật Bản, lãnh đạo tài chính từ 7 nền kinh tế lớn trên thế giới (nhóm G7) cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng không chắc chắn. Nhóm G7 gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italia và Canada.
Các lãnh đạo tài chính nhóm G7 tuyên bố sẽ tiếp tục chống lại lạm phát và tiếp tục nhận định hệ thống tài chính toàn cầu có "khả năng phục hồi" sau sự sụp đổ một số ngân hàng tại Hoa Kỳ. (Ảnh: CNBC)
Thông cáo chung được nhóm G7 phát đi hôm 13/5 có đoạn “Chúng ta cần duy trì sự cảnh giác, nhanh nhẹn và linh hoạt trong chính sách kinh tế vĩ mô vào lúc bất ổn ngày càng tăng đối với triển vọng kinh tế toàn cầu."
Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương của nhóm G7 cũng cho rằng nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi trước nhiều cú sốc, bao gồm đại dịch COVID-19, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và áp lực lạm phát.
Các lãnh đạo tài chính nhóm G7 tuyên bố sẽ tiếp tục chống lại lạm phát và đảm bảo những dự báo về biến động giá cả trong tương lai vẫn ổn định. Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda, người chủ trì cuộc thảo luận về chính sách tiền tệ, cho biết hầu hết ngân hàng trung ương trong nhóm G7 dường như cảm thấy tác động của các đợt tăng lãi suất vừa qua vẫn chưa phát huy đầy đủ tác dụng.
Đối với sự sụp đổ của một số ngân hàng tại Hoa Kỳ trong thời gian gần đây, các lãnh đạo tài chính nhóm G7 cho biết họ vẫn giữ nguyên đánh giá hồi tháng 4 vừa qua rằng hệ thống tài chính toàn cầu "có khả năng phục hồi". Tuy nhiên, họ cam kết sẽ giải quyết "những lỗ hổng về dữ liệu, giám sát và quy định trong hệ thống ngân hàng".
Điều này được kỳ vọng sẽ trấn an thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh một bộ phận thị trường lo ngại sẽ có nhiều ngân hàng khác tại Hoa Kỳ sụp đổ trong thời gian tới, kéo theo các tác động dây chuyền lên các khu vực kinh tế khác.
Một nội dung quan trong khác trong cuộc thảo luận của các lãnh đạo tài chính nhóm G7 là vấn đề Trung Quốc. Nhật Bản đã đi đầu trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc của nhóm G7 vào Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong thông cáo, các nhà lãnh đạo tài chính nhóm G7 đặt ra thời hạn cuối năm nay để khởi động một kế hoạch mới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, G7 dự kiến cung cấp viện trợ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình để đảm bảo họ có vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng các sản phẩm liên quan đến năng lượng.
"Đa dạng hóa chuỗi cung ứng có thể góp phần bảo vệ an ninh năng lượng và giúp chúng tôi duy trì ổn định kinh tế vĩ mô", thông cáo viết.
Thông cáo này tuy không đề cập đến bế tắc về trần nợ công của Hoa Kỳ hiện nay nhưng, hãng tin Reuters cho biết, vấn đề này liên tục được các lãnh đạo tài chính nhóm G7 thảo luận trong các phiên họp. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen hiện cho biết tình trạng bế tắc đang khó khăn hơn nhưng nhấn mạnh vẫn kỳ vọng sẽ có giải pháp.
Bộ trưởng tài chính Anh Jeremy Hunt đánh giá rằng sẽ "hoàn toàn tàn khốc" nếu Hoa Kỳ không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công và khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới "đi chệch hướng".
Các cuộc thảo luận của các lãnh đạo tài chính sẽ đặt nền móng cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 bắt đầu vào cuối tuần sau cũng tại Nhật Bản. Bà Janet Yellen cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã lên kế hoạch tham dự Hội nghị, nhưng vẫn có khả năng hủy chuyến đi nếu tiến trình giải quyết trần nợ công không có tiến triển.