Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phản hồi thông tin về việc huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện theo đề nghị của EVN…
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí CTCP, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau hỗ trợ xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, nhường khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm là tháng 5 và tháng 6.
Phản hồi lại thông tin này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện trong quý 1/2023 rất thấp, nên đến hết tháng 4/2023, lượng khí huy động cho các nhà máy điện chỉ đạt 96% so với kế hoạch của Bộ Công Thương đã giao.
Ngoài tăng cường tối đa lượng khí thiên nhiên khai thác trong nước, PVN đã thống nhất với Petronas (Công ty dầu khí thuộc sở hữu của Malaysia) để mua toàn bộ lượng khí khai thác từ cụm mỏ PM3-CAA với Malaysia nhằm gia tăng lượng khí cung cấp cho sản xuất điện trong nước.
Dự kiến trong năm 2023, PVN sẽ cung cấp khoảng 5,87 tỷ m3 khí thiên nhiên cho sản xuất điện (gồm 4,55 tỷ m3 khu vực Đông Nam Bộ và 1,32 tỷ m3 ở khu vực Tây Nam Bộ), vượt 104,8% so với kế hoạch của Bộ Công Thương.
Điều đáng nói chính là, tính đến nay, công suất huy động các nhà máy điện khí cao nhất chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng công suất các nguồn điện được huy động.
PVN nêu ý kiến: "Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cung cấp điện của Bộ Công Thương đã phê duyệt, cần phải huy động sự tham gia phát điện của nhiều nguồn phát điện khác ngoài điện khí (điện than, thuỷ điện, năng lượng tái tạo... )".
Về đề nghị ngừng toàn bộ nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện, Tập đoàn này cho rằng, chủ sở hữu của các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên các hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng hay giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được đại hội đồng cổ đông của các công ty này thông qua trước khi thực hiện.
Đáng chú ý, phía PVN cho hay, "Thêm nữa, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia".
Được biết trước đó, lý do EVN đề nghị việc này là bởi nguồn khí Đông Nam Bộ đang giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn khoảng 13,5-14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí trong khu vực là trên 21 triệu m3/ngày.
Cũng bởi, hiện nay lượng khí ở Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày.