PVP là công ty con của PVT với tỷ lệ sở hữu gần 65%. CTCK Vietcombank (VCBS) cũng đang nắm giữ 10,61% và Công ty Quản lý quỹ đầu tư tài chính dầu khí (PVFCC) nắm gần 9% cổ phần PVP.
Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PV Trans Pacific, UPCoM: PVP) thành lập ngày 28/1/2008, là thành quả hợp tác của Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans, HOSE: PVT), Công ty CP Tài chính dầu khí (PVFC), Vietcombank, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI).
Nhiệm vụ ban đầu của PVP là tham gia vận chuyển dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sau đó là tham gia vận tải quốc tế và sẽ tham gia vận tải dầu thô nhập khẩu cho dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khi đi vào hoạt động chính thức.
Ngày 18/05/2010, PVP được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và công nhận là công ty đại chúng; ngày 17/10/2013 được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam chấp nhận đăng ký giao dịch chứng khoán với mã PVP, tổng số lượng 94,2 triệu cổ phiếu.
Quảng cáo
Cổ phiếu PVP chính thức lên sàn UPCoM vào ngày 20/12/2016, giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, thị giá của PVP dao động trong ngưỡng 11.500 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 94 triệu cổ phiếu của PVP.
Công ty mẹ của PVP vẫn là PVT với tỷ lệ sở hữu gần 65%, theo sau là CTCK Vietcombank (VCBS) với 10,61% và Công ty Quản lý quỹ đầu tư tài chính dầu khí (PVFCC) gần 9%.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, PVP ghi nhận doanh thu thuần đạt 640 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí giá vốn nhảy vọt khiến biên lợi nhuận sụt giảm mạnh, kéo lợi nhuận sau thuế xuống còn 38,7 tỷ đồng, bằng 26% so với thực hiện nửa đầu năm 2021.
Nguyên nhân là do PVP thực hiện chuyển đổi hình thức khai thác tàu (cho thuê bareboat, thuê TC), đồng thời trích trước chi phí sửa chữa lớn cho đội tàu (tàu Apollo, tàu FSO Đại Hùng Queen).