Sau thời gian gặp khó khăn, ngành thép đang phục hồi mạnh mẽ bởi sự khởi sắc của thị trường bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng, mở ra triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn trong các quý còn lại của năm 2024…
Kết thúc quý 1/2024, doanh thu toàn ngành thép tăng 3% so với cùng kỳ, tuy nhiên, nếu loại trừ doanh thu của HPG, doanh thu ngành giảm 5%, phản ánh tốc độ hồi phục chậm hơn ở nhóm doanh nghiệp quy mô trung bình.
Đáng chú ý, mặc dù giá thép trung bình giảm trong quý đầu tiên của năm, biên lãi gộp của các doanh nghiệp thương mại thép vẫn tăng trưởng 3 quý liên tiếp, đạt 2,8% trong kỳ.
Bước sang quý 2/2024, khảo sát kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, hầu hết các công ty thép đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng lên đến hàng ngàn phần trăm. Điều này phản ánh tiềm năng hồi phục mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhóm ngành này trong thời gian tới.
LOẠT DOANH NGHIỆP LÃI BẰNG LẦN
Là doanh nghiệp thép đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 2/2024, Công ty Cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất (mã chứng khoán: TNS) có doanh thu thuần tăng mạnh 656,5%, đạt 919,8 tỷ đồng.
Cùng chiều doanh thu, giá vốn hàng bán cũng tăng gấp 7,5 lần, lên mức 898,7 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận gộp của công ty thu hẹp còn hơn 21 tỷ đồng, song vẫn cao gấp 10 lần cùng kỳ quý 2/2023.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Thép tấm lá Thống Nhất báo lãi sau thuế 13,2 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ 1,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Theo ghi nhận, đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất doanh nghiệp thép này đạt được kể từ quý 3/2017.
Giải trình về kết quả kinh doanh, Thép tấm lá Thống Nhất nhận định thị trường thép cán nguội đầu năm 2024 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường từ cạnh tranh địa chính trị, khả năng phục hồi chậm. Tuy nhiên, công ty đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng và nguồn hàng có giá cả hợp lý, nhờ đó, sản lượng sản xuất tăng 162% và tiêu thụ tăng 171% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) là công ty có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng nhất.
Cụ thể, trong quý 3 niên độ 2023 – 2024 (từ ngày 1/4/2024 đến ngày 30/6/2024), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu 10.840 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp tăng gần 50%, đạt 1.336 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 10,3% lên mức 12,2%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 141% đạt 30,6 tỷ đồng. Các chi phí của công ty đều tăng, trong đó chi phí bán hàng là lớn nhất, tăng từ 720,4 tỷ đồng lên mức 900,8 tỷ đồng.
Kết quả, Tập đoàn Hoa Sen mang về 287,2 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 23,5 lần cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 273,4 tỷ đồng, tăng gần 1.900% so với quý 3 năm ngoái.
Tương tự, Công ty Cổ phần Kim khí TP.HCM – VNSTEEL (mã chứng khoán: HMC) cho biết doanh thu thuần quý 2/2024 đạt 1.074 tỷ đồng, tăng 40,6% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp theo đó tăng 4,2% lên mức 24,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 35,6% tương đương 8,8 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và cho vay. Sau khi trừ các chi phí, Kim khí TP.HCM – VNSTEEL thu về 5,6 tỷ đồng lãi ròng trong quý 2/2024, tăng 103,5% so với con số 2,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Kim khí TP.HCM – VNSTEEL ghi nhận doanh thu đạt 1.902 tỷ đồng và lãi sau thuế 9,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,9% và 74,8%.
Cũng có một kỳ kinh doanh khởi sắc, Công ty Cổ phần Cán thép Thái Trung (mã chứng khoán: TTS) kết thúc quý 2/2024 với doanh thu thuần tăng 208,8%, lên mức 1.404 tỷ đồng do thị trường tiêu thụ thép tốt, công ty đã đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ. Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế của Cán thép Thái Trung đạt 5,3 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 10,3 tỷ đồng của quý 2/2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Cán thép Thái Trung mang về 2.620 tỷ đồng doanh thu và 9,9 tỷ đồng lãi sau thuế, cách xa khoản lỗ 7,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2024 vừa công bố, Công ty Cổ phần Chế tạo kết cấu Thép Vneco.SSM (mã chứng khoán: SSM) ghi nhận lãi ròng đạt 6,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý 2/2023 lỗ 378,4 triệu đồng.
Điểm mấu chốt giúp kết quả kinh doanh của Thép Vneco.SSM tăng trưởng đến từ doanh thu thuần đạt 234,2 tỷ đồng, cao gấp 8,8 lần so với cùng kỳ. Từ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh được cải thiện đáng kể, từ âm 399,4 triệu đồng trong quý 2/2023 lên mức 6,6 tỷ đồng trong quý 1 năm nay.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp thép khác cũng báo lãi quý 2/2024 tăng trưởng như Công ty Cổ phần Thép Mê Lin (mã chứng khoán: MEL) tăng 75% (đạt 1,9 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Kim khí Miền Trung (mã chứng khoán: KMT) tăng 1,7% (đạt 875,3 triệu đồng); Công ty Cổ phần Thép Nhà Bè – VNSTEEL (mã chứng khoán: TNB) lãi 311,3 triệu đồng (cùng kỳ lỗ 2,5 tỷ đồng)…
KỲ VỌNG TIẾP ĐÀ PHỤC HỒI NHỜ TIÊU THỤ NỘI ĐỊA TĂNG TRỞ LẠI
Theo nhận định các công ty chứng khoán, ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang chờ động lực để chuyển mình. Lý do chủ yếu là nhờ nhờ sự hồi phục của ngành bất động sản nội địa, với số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng và Luật Bất động sản sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2024.
Bên cạnh đó, giá trị tồn kho nguyên vật liệu của các doanh nghiệp thép niêm yết có xu hướng tăng từ quý 3/2023 tới nay phản ánh sự tự tin về triển vọng sản lượng tiêu thụ hồi phục trong thời gian tới.
Cụ thể, trong báo cáo triển vọng ngành thép mới công bố, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, tính tới cuối quý 1/2024, tổng giá trị nguyên vật liệu toàn ngành đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 15% so với quý liền trước và tăng 21% so với cùng kỳ sau giai đoạn tập trung xử lý hàng tồn kho giá cao, cho thấy sự tự tin của các doanh nghiệp về triển vọng nhu cầu tiêu thụ phục hồi trong nửa cuối 2024.
KBSV duy trì quan điểm rằng sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ bắt đầu hồi phục từ nửa sau năm 2024 trở đi nhờ lĩnh vực bất động sản nhà ở dần hồi phục, số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng.
Trong trung và dài hạn, KBSV nhận định Luật Bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ 1/8/2024 được kỳ vọng sẽ gián tiếp kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.
Tính tới thời điểm hiện tại, xu hướng hồi phục tại thị trường nội địa đã và đang diễn ra khi sản lượng tiêu thụ thép ống tháng 4 và tháng 5/2024 lần lượt đạt 191.000 và 184.000 tấn, tăng 26% và 14% so với cùng kỳ. Trong đó, 90% sản lượng thép ống được tiêu thụ tới từ thị trường trong nước.
KBSV kỳ vọng sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép trong năm 2024 – 2025 sẽ tăng 15% và 8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để cạnh tranh với thép nhập khẩu nhờ chênh lệch giá bán thép xây dựng trong nước so với thép nhập khẩu đã giảm đáng kể so với 2023 và vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm.
Đồng thời, chi phí đầu vào suy giảm trong nửa đầu năm 2024 sẽ tạo dư địa để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán để đảm bảo sản lượng tiêu thụ.
Một thông tin đáng chú ý, ngày 14/6 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc (AD19).
Dựa trên số liệu tổng hợp, KBSV nhận thấy tỷ trọng tôn mạ nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh từ 2023 tới nay (cuối tháng 5/2024 tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 80% tổng sản lượng, so với chỉ 53% tại tháng 1/2023).
Do đó, nhóm chuyên gia KBSV cho rằng, trong trường hợp AD19 được thông qua, HSG, GDA, NKG sẽ là các doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ thị phần tôn mạ lớn, lần lượt đạt 28%, 18% và 17% tại thời điểm cuối năm 2023.
Mặc dù phải chịu cạnh tranh với các sản phẩm tôn mạ có xuất xứ từ Trung Quốc, KBSV kỳ vọng sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam sẽ được duy trì trong 2024 nhờ yếu tố chênh lệch giá giữa các thị trường với Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngày 24/6/2024, Ủy ban Châu Âu đã thông qua quyết định kéo dài hiệu lực của các biện pháp phòng vệ đối với một vài sản phẩm thép tới cuối tháng 6/2026, một vài quốc gia sẽ chịu mức trần 15% cho sản lượng HRC nhập khẩu vào EU.
KBSV cho rằng chính sách này sẽ giúp sản lượng tiêu thụ HRC nội địa tại EU gia tăng và giúp mặt bằng giá tại đây cải thiện. Khi đó, chênh lệch giá tôn mạ giữa EU và Việt Nam sẽ được duy trì ổn định, kênh xuất khẩu của các doanh nghiệp tôn mạ được hưởng lợi.
Về giá thép, đội ngũ phân tích KBSV cho rằng giá thép trong nước sẽ được hỗ trợ nhờ nhu cầu nội địa gia tăng, làm giảm áp lực điều chỉnh, cạnh tranh với giá thép Trung Quốc. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm từ đầu năm tới, điều này sẽ giúp biên lãi gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện trong các quý tới.
Cùng chung quan điểm tích cực về triển vọng nhóm ngành này, Công ty Chứng khoán MB (MBS Research) dự báo lợi nhuận ròng của doanh nghiệp thép có thể tăng trưởng 40% trong năm 2024 nhờ các yếu tố:
Thứ nhất, ngành thép có thể phục hồi nhờ tín hiệu tích cực từ lĩnh vực bất động sản. Sự gia tăng trong nguồn cung nhà ở và cơ sở hạ tầng sẽ góp phần thúc đẩy cả giá cả lẫn khối lượng tiêu thụ. Do đó, doanh thu dự kiến sẽ phục hồi 25%, trong đó sản lượng và giá bán dự kiến tăng trưởng lần lượt 9% và 8%.
Thứ hai, biên lợi nhuận gộp phục hồi lên 13% so với khoảng 8% năm 2023 nhờ giá đầu ra tăng 8% so với cùng kỳ và nguyên liệu (quặng, than) giảm khoảng 4% do nguồn cung ổn định. Đồng thời, tỷ lệ dự phòng sẽ hạ nhiệt do giá đầu ra tăng.
Thứ ba, chi phí tài chính của nhóm ngành thép được dự báo sẽ giảm 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.
Quốc Hưng