Các giải pháp kinh tế tuần hoàn có thể triệt tiêu hiệu quả lẫn nhau nếu được kết hợp triển khai một cách thiếu tính toán.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về việc giảm thiểu chất thải nhựa, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, trong đó đề cập đến giải pháp ưu đãi, hỗ trợ cho các sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Nhựa phân hủy sinh học là giải pháp thay thế bao bì nhựa thông thường được không ít doanh nghiệp quyết tâm theo đuổi, dù phải đối diện với nhiều thách thức từ phía thị trường. Một số cái tên tiêu biểu sản xuất nhựa phân hủy sinh học có thể kể đến như Tập đoàn An Phát, Vafaco hay Nam Trung Việt.
Một giải pháp khác để hạn chế chất thải nhựa là đẩy mạnh ngành công nghiệp tái chế, cũng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Hiện nay, khi công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đang đi vào hiệu lực, nhiều đơn vị tái chế nhựa đang mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở, nhà máy tái chế hiện đại, cho ra những sản phẩm hợp vệ sinh, quy trình không gây hại tới môi trường, có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như Nhựa Tái chế DUYTAN, Nhựa Lam Trân, VietCycle.
Tuy nhiên, giải pháp sử dụng nhựa phân hủy sinh học có thể tác động tiêu cực tới sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế. Trao đổi với TheLEADER, một nhà tái chế cho biết, các sản phẩm nhựa sinh học có ngoại hình và một số đặc điểm lý tính không khác gì nhựa thông thường nên dễ lẫn vào phế liệu nhựa.
Trong khi đó, quy trình tái chế nhựa đòi hỏi rất cao về nguyên vật liệu đầu vào. Các nhà tái chế phải chấp nhận rủi ro nhựa sinh học lẫn vào phế liệu đầu vào làm hỏng chất lượng sản phẩm tái chế, hoặc phải chi nhiều vốn đầu tư hơn cho khâu thu gom, phân loại.
Ngược lại, điều này cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả được kỳ vọng đối với nhựa sinh học, là được xử lý thành phân hữu cơ cùng với chất thải thực phẩm thông thường.
Nhà tái chế đề xuất, nếu lựa chọn phát triển ngành công nghiệp tái chế, Việt Nam không nên khuyến khích hoặc có thể cấm nhựa sinh học.
Một nhà tư vấn về kinh tế tuần hoàn cho biết, giải pháp nhựa phân hủy sinh học đã được triển khai tại các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, giải pháp này không mang lại nhiều hiệu quả bởi một số nhà sản xuất cố tình “đánh tráo khái niệm” khi đưa ra thị trường dòng vật liệu nhựa chỉ có khả năng phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ hơn.
Ngoài ra, hiệu quả môi trường đối với nhựa sinh học đòi hỏi cao ở kiến thức và kỹ năng phân loại rác của người tiêu dùng nhằm nhận biết chính sách đâu là nhựa sinh học và vứt vào đúng thùng phân loại. Đây cũng là trở lại lớn cho hiệu quả của giải pháp này.
Vì những lý do kể trên, các nước châu Âu đã không còn hướng đến giải pháp nhựa sinh học trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn nữa.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải hàm ý nhựa phân hủy sinh học là giải pháp vô nghĩa. Mô hình kinh tế tuần hoàn tương đối mới kể cả đối với các nước phát triển. Không phải giải pháp nào cũng đúng đắn và phù hợp với mục tiêu riêng của mỗi quốc gia, đòi hỏi quá trình thử nghiệm và xem xét kỹ lưỡng tính khả thi trước khi áp dụng rộng rãi.
Bên cạnh bao bì phân hủy sinh học, một giải pháp khác cũng gây tranh cãi là đốt rác để thu hồi năng lượng. Đây được coi là giải pháp hiệu quả cho những loại chất thải có giá trị quá thấp, không thể tái chế, tái sử dụng.
Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE) tại Việt Nam cho rằng, giải pháp đốt rác phát điện tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khí thải độc hại. Theo lập luận của các nhà vận hành lò đốt rác phát điện, nhiệt độ đủ cao sẽ không phát sinh khí thải nguy hại đến sức khỏe con người nhưng phía PE lo ngại lò khó có thể duy trì nhiệt độ cao, đặc biệt khi khởi động hoặc có trục trặc kỹ thuật.
Phát ngôn của một đơn vị vận hành nhà máy đốt rác “quảng cáo” về công nghệ có thể đốt rác chưa qua phân loại nhưng vẫn giữ được hiệu quả cũng dấy lên nhiều tranh cãi rằng việc đốt rác gây lãng phí nguồn phế liệu có tiềm năng tái chế, tái sử dụng.
Ngược lại, khi các giải pháp phân loại rác, tái chế được triển khai hiệu quả, lò đốt rác phát điện sẽ không đủ nguyên liệu để vận hành có lợi nhuận. Nói cách khác, các giải pháp này có thể triệt tiêu hiệu quả lẫn nhau, dẫn đến lãng phí vốn đầu tư trong khi không thực sự tạo ra tác động đủ tích cực tới môi trường.
Là quốc gia đang phát triển với bức tranh quản lý chất thải hết sức phức tạp, không dễ tìm ra giải pháp phù hợp. Theo nhà tư vấn, Việt Nam cần tiến hành nhiều nghiên cứu và thử nghiệm để xác định hướng đi chính xác và kiên định đi theo hướng đi đó, tránh áp dụng quá nhiều giải pháp chồng chéo một cách thiếu chiều sâu và vô ích.
Phạm Sơn