Đạo luật chống suy thoái rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) có hiệu lực từ 30/12/2024 sẽ tạo cơ hội cho những nông hộ nhỏ tại Việt Nam.
Cụ thể, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về hành động khí hậu, môi trường, việc làm và chính sách xã hội của Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết, việc tuân thủ EUDR sẽ giúp các nông hộ nhỏ cải thiện quy trình canh tác theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng.
Như vậy, các nông hộ có cơ hội nâng cao giá bán, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao thu nhập, sinh kế.
Được biết, EUDR yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào EU kể từ sau ngày 30/12/2024 bắt buộc phải không được có nguồn gốc từ đất hình thành do phá rừng hoặc góp phần gây suy thoái rừng tính từ 30/12/2020.
Theo ông Ludovino, chính sách EUDR tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình, như một giải pháp hướng đến giảm thiểu mất đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu.
Thực tế phải nhìn nhận, EUDR đặt ra áp lực tương đối lớn đối với các ngành hàng nông sản xuất khẩu, bởi đa phần nông sản được canh tác bởi các nông hộ có diện tích nhỏ, đơn cử như ngành cà phê có đến khoảng 1 triệu hộ có diện tích dưới 0,5 ha, lại canh tác không tập trung nên truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
Hoạt động truy xuất nguồn gốc cũng là thách thức đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ và cao su khi khâu sản xuất được tiến hành bởi các nông hộ, thu mua qua mạng lưới thương lái.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhìn nhận, EUDR là thách thức khi đặt ra tiêu chuẩn phải tuân thủ nhưng cũng là cơ hội khi góp phần định hướng ngành nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững.
Nhằm đáp ứng tiêu chuẩn EUDR, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức họp tham vấn với các bên liên quan, sau đó tổ chức đối thoại với Phái đoán EU vào tháng 4 năm ngoái.
Đến tháng 7/2023, Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, sau đó Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã gửi thư cho lãnh đạo địa phương để đề nghị phối hợp triển khai kế hoạch này.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, không chỉ từ phía Nhà nước mà các ngành hàng nông sản tại Việt Nam đã xây dựng và thực hành lộ trình với các giải pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của EUDR.
Điển hình như đối với lĩnh vực cà phê, nhóm đối tác công tư ngành hàng cà phê do Cục Trồng trọt phối hợp với Nestlé Việt Nam và Công ty JDE chủ trì đã thí điểm ở Đắk Lắk và Lâm Đồng, thành lập liên minh chia sẻ, bảo mật thông tin và xây dựng dữ liệu về rừng và vùng sản xuất đáp ứng EUDR.
Hoặc đối với lâm nghiệp, nhóm đối tác công tư lâm nghiệp đã thành lập Tổ công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thích ứng với EUDR, xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để cho ngành hàng gỗ, cao su.
Nhật Phạm