Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tại Việt Nam đã chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của rất nhiều ứng dụng nền tảng số kết nối cung - cầu trong hầu khắp các ngành, đặc biệt là trong ngành vận tải, bán lẻ, y tế, giáo dục, ngân hàng, tài chính...
5 giờ chiều, giao thành công đơn hàng cuối cùng trong ngày, chị Nguyễn Hạnh tắt ứng dụng trở về nhà. Mỗi ngày làm trung bình khoảng 6-8 giờ, chị có mức thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Đây là mức cao hơn hẳn so công việc làm tạp vụ ca kíp trước đây của chị Hạnh.
Nhiều lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ
Chị Hạnh là một trong số hàng trăm nghìn tài xế công nghệ ở Việt Nam. Mô hình xe công nghệ đã giúp giải quyết một lực lượng lao động đông đảo với thu nhập tương đối cao so mặt bằng chung.
Những năm vừa qua, thị trường gọi xe đã chứng kiến sự thay đổi trong thói quen di chuyển của người dân. Mức độ cạnh tranh trên thị trường này ngày càng gay gắt với sự tham gia của các công ty như Grab Holdings Inc., Xanh SM (CTCP GSM), Be Group, FastGo…
Sau giai đoạn dịch Covid-19, thị trường này ở Việt Nam đã tăng trưởng “chóng mặt”. Điều này được lý giải bởi một số yếu tố như dân số đô thị và thu nhập người dân ngày càng tăng, làm gia tăng nhu cầu. Những người đi làm ở thành thị và giới trẻ có xu hướng lựa chọn dịch vụ gọi xe bởi sự thuận tiện. Thêm vào đó, mức độ am hiểu công nghệ của người dân đã cải thiện, thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ gọi xe công nghệ.
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và chính sách, ngành dịch vụ nền tảng trong lĩnh vực giao thông vận tải đã đóng góp có ý nghĩa cho phát triển kinh tế của Việt Nam (đóng góp khoảng 1,7% GDP năm 2022 và tiếp tục tăng trong năm 2023). Đặc biệt, đối với hai vùng trọng điểm phát triển của Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, dịch vụ nền tảng trong lĩnh vực giao thông vận tải đã đóng góp tương ứng lần lượt là 2,7% và 2,3% GRDP của hai vùng này.
Không chỉ trong lĩnh vực giao thông vận tải, cùng với tỷ lệ sử dụng internet cao và tăng nhanh, trong đó nhu cầu gia tăng của nhóm dân số trẻ, ưa chuộng sử dụng dịch vụ nền tảng đã kéo theo xu hướng mua sắm trực tuyến tăng nhanh cả về số lượng và tốc độ. Hoạt động thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành một trụ cột tăng trưởng cho kinh tế số của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công thương tại Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Thị trường giao đồ ăn trực tuyến, E - logistics cũng chứng kiến sự tăng trưởng "vũ bão"…
Theo số liệu thống kê, năm 2022, tổng giá trị tăng thêm của ngành nền tảng đóng góp 40,5 tỷ USD vào GDP của Việt Nam, tương đương 9,92%. Giai đoạn 2018 - 2022, với thu nhập trung bình hơn 11,3 triệu đồng, người lao động trong ngành nền tảng có thu nhập cao hơn 14% so thu nhập bình quân chung của nền kinh tế (gần 9,9 triệu đồng). Việc làm trong ngành nền tảng cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 9,4%, cao hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng việc làm trung bình của nền kinh tế (ở mức 3,7%).
Sự phát triển của các nền tảng thông qua thay đổi xu hướng kinh doanh, thói quen tiêu dùng đã và sẽ tác động tới đa dạng các đối tượng, trong đó có các ngành nghề liên quan, cơ hội việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Sự xuất hiện của các mô hình mới trong ngành nền tảng là động lực để các doanh nghiệp truyền thống gia tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, liên tục đặt ra áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc cải cách thể chế để phù hợp với xu hướng và thực tiễn phát triển.
Tương lai của kinh tế nền tảng
Kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng không chỉ là một xu hướng mà còn là động lực mạnh mẽ, góp phần định hình lại kinh tế toàn cầu. Vì thế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể về phát triển kinh tế số, trong đó có kinh tế nền tảng.
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Google, Temasek, Bain & Company (2023) đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Dân số Việt Nam gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, là thị trường lớn cho phát triển kinh tế số. Về cơ cấu dân số, các nhóm tuổi có tỷ trọng lớn nhất cũng là nhóm tuổi sử dụng các dịch vụ nền tảng nhiều nhất. Điều này sẽ tác động trực tiếp, thúc đẩy xu hướng sử dụng dịch vụ nền tảng ở Việt Nam.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho thấy, 1 tỷ USD sản phẩm cuối cùng của ngành nền tảng kích thích giá trị tăng thêm của nền kinh tế là 1,1918 tỷ USD. Trong đó, kích thích giá trị tăng thêm của chính ngành nền tảng là 0,77 tỷ USD (chiếm 64,4% tổng tác động) và kích thích giá trị tăng thêm của các ngành khác là 0,42 tỷ USD (chiếm 35,6% tổng tác động).
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, chính sách của Chính phủ cần đón đầu xu hướng, thúc đẩy kinh tế nền tảng phát triển, từ đó tạo tác động lan tỏa đến toàn bộ hệ sinh thái kinh tế số và cả nền kinh tế. Hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế số, kinh tế nền tảng cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới...
Kinh tế số ở Việt Nam gồm 3 thành phần chính: (i) Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông (hay còn gọi là công nghiệp công nghệ số); (ii) Kinh tế số nền tảng (Platform) là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối cung - cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; (iii) Kinh tế số ngành - hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.
ĐẠI KIM