Tập đoàn McDonald's: Từ chuỗi thức ăn nhanh tới ông trùm bất động sản

Đối với người tiêu dùng, McDonald’s là một chuỗi thức ăn nhanh. Tuy nhiên, ít người biết rằng thương hiệu này lại kiếm được hàng tỷ đô la từ bất động sản…

Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Tập đoàn McDonald's, tổng tài sản của công ty là 53,8 tỷ USD. Trong đó, giá trị ròng của quyền sử dụng tài sản cho thuê ròng là 13,5 tỷ USD, còn của tài sản và thiết bị là 24,7 tỷ USD. Tài sản và thiết bị của McDonald's khi không tính khấu hao trị giá 41,9 tỷ USD.

Đến năm 2022, Tập đoàn McDonald's có 38.169 nhà hàng được nhượng quyền so với 2.106 nhà hàng do sở hữu và điều hành. Trong số hơn 23 tỷ USD doanh thu vào năm 2022, 8,74 tỷ USD đến từ các cửa hàng do công ty điều hành, trong khi 14,1 tỷ USD đến từ các nhà hàng được nhượng quyền.

Vậy, họ đã làm điều này như thế nào?

Từ chuỗi thức ăn nhanh tới ông trùm bất động sản

Ray Kroc mở cửa hàng McDonald's đầu tiên ở phía đông sông Mississippi ở Des Plaines, Illinois vào năm 1955. Tuy nhiên, ông gặp khó khăn trong việc kinh doanh thành công. Các nhà hàng được nhượng quyền của ông không mang lại đủ tiền do ông gặp khó khăn tìm kiếm các nhà đầu tư có thể trang trải cả chi phí đất đai và xây dựng cho mỗi địa điểm.

Năm 1956, Ray Kroc đang cân nhắc tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh McDonald's của mình thì tình cờ gặp Harry J. Sonneborn, cựu giám đốc điều hành của Tastee-Freez. Ông Kroc đã được giới thiệu một kế hoạch sáng tạo sẽ biến liên doanh McDonald's thành một thành công lớn: Franchise Realty Corp. Theo đó, công ty sẽ ký hợp đồng thuê và mua các khoản thế chấp cho cả đất đai và tòa nhà, sau chuyển các chi phí này cho bên nhận quyền với mức chênh lệch 20-40% với một khoản chi phí ban đầu thấp hơn 950 USD. Người được nhượng quyền cũng chịu trách nhiệm về bảo hiểm và thuế, đảm bảo lợi nhuận ổn định cho công ty miễn là nhà hàng tiếp tục kinh doanh.

mc.jpg

Điểm hay của mô hình tài chính Sonneborn là McDonald's sẽ kiếm được phí bản quyền và tiền thuê địa điểm từ những người được nhượng quyền, cũng như tiếp tục bổ sung tài sản bất động sản vào danh mục đầu tư của mình. Sau khi McDonald's chuyển sang mô hình Sonneborn vào năm 1958, công ty đã mở thêm 68 địa điểm trong một năm.

Sau khi thành công, McDonald's nhận ra rằng họ có thể phát triển hơn nữa mô hình kinh doanh độc đáo của mình bằng cách yêu cầu những người được nhượng quyền trả tiền thuê hàng tháng hoặc từ bỏ một tỷ lệ phần trăm doanh thu trong tháng. Quyết định này được đưa ra dựa trên việc xem xét con số nào cao hơn. Chiến lược này tỏ ra rất hữu ích, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái khi doanh số giảm đáng kể.

Ông Sonneborn cho biết: “Chúng tôi không kinh doanh thực phẩm. Chúng tôi đang kinh doanh bất động sản. Lý do duy nhất chúng tôi bán bánh mì kẹp thịt 0,15 USD là vì chúng là nguồn tạo ra doanh thu lớn nhất mà từ đó những người được nhượng quyền có thể trả tiền thuê nhà cho chúng tôi”.

Kiếm hàng triệu USD từ việc cho thuê mặt bằng

Dòng doanh thu bất động sản của McDonald's đến từ hai nguồn chính.

Đầu tiên là qua mua bán bất động sản. Đó là lý do tại sao McDonald's sở hữu hàng trăm địa điểm kinh doanh mang tính biểu tượng từ Quảng trường Thời đại ở New York đến Quảng trường Đỏ ở Moscow.

Thứ hai là từ việc thu tiền thuê của các chủ nhà hàng nhượng quyền. Nói cách khác, McDonald's sẽ mua đất và cho chủ sở hữu thuê đất đó với mức giá cố định dài hạn.

Về cơ bản, McDonald's có thể vừa bổ sung bất động sản vào danh mục đầu tư của mình, đồng thời thu tiền thuê và tính phí bản quyền dựa trên phần trăm doanh thu từ bên được nhượng quyền. Nhờ vậy, McDonald's có người thuê trả giá cao hơn giá thị trường ngay lập tức.

Hơn nữa, những người được nhượng quyền phải trả chi phí sở hữu liên quan đến bảo hiểm, bảo trì và thuế tài sản. Khoản đầu tư ban đầu được thực hiện bởi bên được nhượng quyền sẽ nằm trong khoảng từ 1 đến 2,5 triệu USD. Đồng thời, Tập đoàn McDonald's sẽ chỉ định mọi khía cạnh về cách thức hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả cách chuẩn bị đồ ăn cũng như giờ hoạt động của cửa hàng.

Thỏa thuận nhượng quyền thương mại này của McDonald's thường kéo dài trong 20 năm. Theo đó những người được nhượng quyền được phép điều hành một nhà hàng sử dụng tên thương hiệu và hệ thống của nó.

mcd.jpgPhần lớn doanh thu của McDonald's đến từ các cửa hàng nhượng quyền

Tất nhiên, mô hình kinh doanh nhượng quyền không thiếu những rủi ro nhất định. Và một trong những rủi ro lớn của nó là sự sụt giảm các tiêu chuẩn của thương hiệu, đặc biệt là những tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Theo triết lý kinh doanh của anh em nhà McDonald's, kiểm soát chất lượng là trụ cột quan trọng nhất cho sự bền vững của thương hiệu. Do đó, Tập đoàn McDonald's có một cơ sở đào tạo mang tên Đại học Hamburger, nơi các nhà quản lý, quản lý cấp trung và chủ sở hữu nhà hàng được đào tạo để kiểm tra chất lượng.

Trong trường hợp các tiêu chuẩn chất lượng không đạt yêu cầu, Tập đoàn McDonald's sẽ ngừng hoạt động với bên được nhượng quyền. Bên được nhượng quyền đã đầu tư rất nhiều vốn bao gồm phí ban đầu, phí bản quyền, phí thuê và các chi phí hoạt động khác. Do đó, họ buộc phải tuân theo tất cả các hướng dẫn do McDonald's đề ra để không mất khoản đầu tư đắt đỏ này.

Tại sao những người được nhượng quyền đồng ý với những điều kiện hà khắc này? Lí do là Tập đoàn McDonald's đòi hỏi khắt khe đến mức những người được nhượng quyền coi đây là một khoản đầu tư cực kỳ an toàn.

Mặc dù phải đầu tư một khoản lớn hơn cho chi phí ban đầu, nhưng cơ hội thành công cho nhà đầu tư vẫn cao. Chẳng hạn, trung bình một cửa hàng McDonald's kiếm được khoảng 2,7 triệu USD doanh số bán hàng mỗi năm với khoảng 154.000 USD lợi nhuận ròng.

Hơn nữa, để trở thành bên nhận quyền, người đăng ký phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt và sau khi được chấp nhận, họ có quyền kiểm soát hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của chính mình. Tất cả những yếu tố này cũng làm giảm rủi ro của các ông chủ vì họ đang hoạt động theo hướng dẫn của Tập đoàn McDonald's, một thương hiệu đã rất thành công và có uy tín lâu đời.

HSBC: Tín dụng tăng chậm phản ánh nền kinh tế còn nhiều trở ngại

HSBC: Tín dụng tăng chậm phản ánh nền kinh tế còn nhiều trở ngại

Trở ngại tăng trưởng vẫn hiện diện thông qua sự tăng trưởng tín dụng cực kỳ chậm chạp. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14-15% và việc NHNN hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong tháng 3, tín dụng chỉ tăng khoảng 2% vào giữa tháng 4, chỉ đạt phân nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2022, phản ánh những quan ngại tiếp diễn đối với những khó khăn về kinh tế.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.