Nếu tỷ lệ LDR thấp thì thanh khoản tốt, dễ dàng cân đối chi phí vốn, từ đó các ngân hàng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay theo mong muốn của Chính phủ và các doanh nghiệp...
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đang có ưu thế về tỷ lệ LDR
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 26/2022 nhằm điều chỉnh cách tính tỷ lệ LDR tại các ngân hàng thương mại.
Thông tư này và Thông tư 22/2019 cũ đều có điểm chung gồm: (i) không thay đổi cách tính tổng cho vay và (ii) quy định trần tỷ lệ LDR duy trì ở mức 85%.
Về điểm khác biệt, tại Thông tư 22/2019 quy định không đưa tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần tổng huy động của các ngân hàng.
Trong khi đó, tại Thông tư 26/2022, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được tính vào tổng huy động với một tỷ lệ khấu trừ nhất định. Đồng thời, tỷ lệ này sẽ được khấu trừ theo lộ trình. Cụ thể, từ nay đến cuối 2023 sẽ khấu trừ 50%; từ đầu 2024 đến cuối 2024 khấu trừ 60%; từ 2025 đến cuối 2025 khấu trừ 80%; từ năm 2026 trở đi khấu trừ 100%, tức quay về việc không đưa tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc vào cấu phần tổng huy động.
Chỉ số LDR (Loan to Deposit) là tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động. Cùng với chỉ số tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, LDR là một trong hai chỉ số cơ bản nhất thể hiện khả năng thanh khoản, đặc biệt là thanh khoản kỳ hạn của ngân hàng. Công thức tính LDR gồm có hai cấu phần chính, trong đó tử số là tổng dư nợ cho vay (tín dụng) và mẫu số là tổng tiền gửi.
Còn nhớ, tại thời điểm cuối năm 2022, khi một loạt kênh dẫn vốn bị tắc nghẽn, các doanh nghiệp chỉ có thể trông ngóng vào dòng vốn tín dụng.
Quảng cáo
Bởi vậy, khá nhiều hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề đã đưa ra kiến nghị mong Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng cho các ngân hàng thương mại để thành viên của họ dễ dàng tiếp cận vốn vay. Thậm chí, kiến nghị nới "room" và giảm lãi suất cho vay được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhắc rất nhiều lần mỗi khi gửi văn bản lên cơ quan bộ ngành.
Song, cũng tại thời điểm đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc ngân hàng nới "room" tín dụng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Bởi lẽ, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm "room" tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp thêm.
Mặc dù đại diện Hiệp hội Ngân hàng không nói thẳng nhưng có thể hiểu rằng, ngân hàng cũng đang phải loay hoay đi kiếm vốn với lãi suất cao. Và muốn doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thấp trong thời gian này, nhà điều hành tiền tệ phải bơm thêm tiền hoặc điều chỉnh các hệ số an toàn vốn như hệ số LDR.
Ước tính thay đổi tỷ lệ LDR tại các ngân hàng thương mại theo cách tính mới của Thông tư 26
Quay lại với quy định mới tại Thông tư 26, khi được tính thêm tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần tổng huy động, chắc chắn tỷ lệ LDR sẽ được giảm và thanh khoản hệ thống sẽ tích cực hơn. Khi đó, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục được hạ nhiệt. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Hiện theo báo cáo tài chính tại các ngân hàng, có khoảng 150.000 tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước đang được gửi theo dạng có kỳ hạn.
Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán VNDirect nhận định, Thông tư 26 sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước.
Ước tính của VNDirect, tỷ lệ LDR mới của các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank sẽ giảm lần lượt 3,1%; 2,7% và 2,2%. “Các ngân hàng này sẽ được hưởng lợi khi LDR mới giảm đáng kể”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.