Thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang sôi động trở lại, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, tác động.
xuất nhập khẩu hàng hóa Lào Cai
Thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa tại tỉnh Lào Cai. Ảnh minh họa

Để nắm bắt thực tế tình hình hoạt động tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, mới đây, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về tình hình thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu sôi động trở lại

Sau khi Trung Quốc thông báo gỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu biên giới từ ngày 08/01/2023 đến nay, hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh của cư dân hai nước qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang diễn ra sôi động trở lại.

Theo đó, giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 291,01 triệu USD đạt 5,82% so với kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 117,52 triệu USD đạt 5,47% so với kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 59,24 triệu USD, đạt 6,81% so với kế hoạch; các loại hình tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển khẩu, quá cảnh, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khác đạt 114,25 triệu USD, tăng 24,50% so với cùng kỳ 2022, đạt 5,77% so với kế hoạch năm.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, mua bán, trao đổi qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ yếu vẫn là trái cây tươi, sắn các loại, phốt pho vàng; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: phân bón, than cốc, rau củ quả, máy móc thiết bị, hóa chất...

Tại buổi làm việc, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã đánh giá một số điều kiện thuận lợi và chỉ ra các khó khăn, tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Hải quan Trung Quốc ban hành nhiều quy định mới (như Lệnh 248 và 249 về đăng ký và kiểm tra doanh nghiệp, các quy định cụ thể về truy xuất nguồn gốc, bao bì, kiểm nghiệm, kiểm dịch....) và tổ chức thực thi rất nghiêm ngặt nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu; Nâng tỷ lệ kiểm tra thông quan đối với trái cây nhập khẩu chưa ký Nghị định thư; Các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới với tỉnh Lào Cai bị phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2020 để phòng chống dịch Covid-19 đến nay chưa được khôi phục; Mức phí đối với hàng hóa Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc còn chưa hợp lý so với một số địa phương khác của Trung Quốc...

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cũng đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ quan tâm, hỗ trợ trong các công tác liên quan thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện hạ tầng giao thông trọng điểm, tăng cường nguồn vốn, dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu vực trọng tâm của tỉnh; đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; đẩy mạnh ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với các loại nông sản, trái cây của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh công tác đàm phán, thiết lập 02 cặp cửa khẩu song phương Bản Vược - Bá Sái và Mường Khương - Kiều Đầu; đẩy mạnh công tác trao đổi, đàm phán, thống nhất chủ trương xây dựng đường sắt kết nối giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; trao đổi, thống nhất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa cặp cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu thành cửa khẩu chỉ định được phép nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam.

Đồng thời hỗ trợ tỉnh Lào Cai trong việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2023, đặc biệt là tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung năm 2023 và triển khai các nội dung thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới tỉnh Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc).

Giải pháp nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và ý kiến tham gia tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận những kết quả tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ sau khi phía Trung Quốc mở cửa lại và đã trao đổi, định hướng tỉnh Lào Cai về một số nội dung nhằm nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh trong thời gian tới.

Thứ nhất, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với định hướng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền (thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính...).

Thứ hai, tỉnh Lào Cai nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp logistics đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, phát triển logistics trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ và khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu sau dịch Covid-19 cũng như nâng cao giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Thứ ba, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lào Cai để thúc đẩy phía tỉnh Vân Nam triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.

Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại; phát triển loại hình thương mại điện tử qua biên giới và mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu như thị trường EU, RCEP, CPTPP... nhằm tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Các ông lớn bất động sản đang nợ đến đâu?

Các ông lớn bất động sản đang nợ đến đâu?

Tín dụng bị siết chặt, thị trường đi xuống đang khiến cho các doanh nghiệp bất động sản lao đao. Theo thống kê, nợ phải trả và nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản lớn niêm yết đến hết năm 2022 đều đang báo động đỏ. Số liệu dựa trên báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp...
Hành lang pháp lý cho Bancassurance: Bao giờ hoàn thiện?

Hành lang pháp lý cho Bancassurance: Bao giờ hoàn thiện?

Nhằm chấn chỉnh tình trạng các ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm mới để được vay vốn diễn ra thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng cả đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh. Nhưng dường như vẫn chỉ là giải pháp tình thế…
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.