Thời gian qua, TP.HCM vẫn luôn có những chính sách, mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng…
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM
Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định về diện tích nhà ở, nhưng TP.HCM chưa thể giải phục vụ đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Bởi lẽ, quá trình xây dựng, phát triển nhà ở địa phương này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đạt 69,2% kế hoạch đề ra
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án, với diện tích sàn nhà ở xã hội toàn thành phố tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra, chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 là 1,78 triệu m2 sàn.
Trong đó, khu vực nội thành phát triển đóng vai trò chủ đạo, tăng gần 931 nghìn m2 sàn, khu vực huyện ngoại thành chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, đạt 159 nghìn m2 sàn. Hiện nay, khu vực nội thành có tốc độ tăng chậm lại và khu vực trung tâm hiện không có dự án nhà ở xã hội.
Đối với nhà lưu trú công nhân đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 15 dự án, tổng diện tích đất 7 ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng tới 7.596 chỗ ở cho công nhân.
Còn ký túc xá sinh viên đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án, tổng diện tích sàn xây dựng 4.215 m2, đáp ứng 423 chỗ ở cho sinh viên.
Cùng với đó, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 0,43 ha, với 33 nghìn m2 sàn xây dựng, quy mô 260 căn hộ. Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 đã được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4151/QĐUBND ngày 9/12/2021, trong giai đoạn còn lại, phấn đấu phát triển 2,467 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội.
Chia sẻ về vấn đề phát triển nhà ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, theo dự báo bình quân 1 năm TP.HCM tăng khoảng 200.000 người, 5 năm tăng khoảng 1 triệu người. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho thành phố là phải đẩy mạnh phát triển nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu để cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội của một đô thị lớn với quy mô dân số khoảng 9 triệu người.
Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà cho thuê và nhà phù hợp khả năng chi trả rất thiếu trong khi nhu cầu rất lớn vì mỗi năm thành phố có thêm 200.000 người. Việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở; việc quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở còn gặp nhiều khó khăn, bất cập...
Khó khăn khi triển khai
Việc phát triển nhà ở tại TP.HCM vẫn chưa phục vụ đủ nhu câu cho người dân chủ yếu do quá trình thực hiện dự án vẫn còn gặp phải vướng mắc, khó khăn.
Theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch với nguồn vốn ngân sách của thành phố dành cho chương trình là rất hạn chế, không đủ so với nhu cầu.
Phần lớn các tuyến rạch không thực hiện được mở rộng hơn so với biên chỉnh trang nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư nên phải thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.
Xây dựng nhà ở xã hội tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Nhóm dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách lại chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 62% cơ cấu nguồn vốn, gồm 59 dự án, 14.855 căn, với số vốn 26.919 (trong tổng 43.200 tỷ đồng).
Thực tế, việc sử dụng nguồn vốn ngân sách cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Trong khi ngân sách thành phố đang cùng lúc phải cân đối cho các chương trình đột phá khác như giảm ùn tắc giao thông, chống ngập và giảm ô nhiễm môi trường có giá trị giải ngân cao, có tính cấp bách và theo thứ tự ưu tiên.
“Do đó, trong số 59 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch bằng nguồn vốn ngân sách, chỉ bố trí vốn đầu tư công cho 32 dự án, đa số là vốn chuẩn bị đầu tư để thực hiện các công tác khảo sát, đo vẽ, lập hồ sơ… chưa bố trí vốn thực hiện bồi thường, di dời và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật”, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM chỉ ra
Bên cạnh đó, trình tự thực hiện các thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách rất phức tạp, kéo dài gồm nhiều giai đoạn… nên đa số các dự án dừng lại ở các bước chuẩn bị đầu tư, chỉ có 17/59 dự án được phê duyệt dự án bồi thường để triển khai thực hiện công tác tiếp theo để chi trả bồi thường.
Đối với chương trình cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn thành phố, trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc do có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của người dân và phần diện tích nhà, đất thuộc quyền sở hữu Nhà nước, trong điều kiện các quy định liên quan xử lý các phần diện tích trên không rõ ràng, nhiều quy định mâu thuẫn nhau theo các pháp luật chuyên ngành…
Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã thực hiện chủ yếu là cải tạo, sửa chữa và một phần nhỏ xây dựng mới, tổng cộng triển khai đạt 213/237 chung cư, đạt 89,8% so với chỉ tiêu đề ra. Mặc dù không đạt được chỉ tiêu đề ra nhưng đây là nỗ lực rất lớn của toàn thành phố thông qua nhiều cơ chế, giải pháp.
Đồng thời, thành phố đã sử dụng ngân sách để thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp các chung cư cũ bị hư hỏng nhưng chưa thuộc diện phá dỡ, trong giai đoạn 2016 - 2020 thành phố đã sử dụng 275,5 tỷ đồng để sửa chữa 199 chung cư cũ.
Về cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, công tác lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và lập quy hoạch lộ giới hẻm để phục vụ quản lý Nhà nước chưa theo kịp và nhiều trường hợp chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn dân cư có tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, do đó việc thực hiện mở rộng hẻm theo đúng quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn; công tác vận động hiến đất mở đường, hẻm cũng rất khó khăn…
Ngoài ra, nhiều khó khăn thách thức khác cũng được đại diện Sở Xây dựng TP.HCM kể ra như xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập…