Thực phẩm Sao Ta vừa cho biết doanh số tháng 5/2023 giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái khi sản lượng tôm tiêu thụ sụt giảm sâu. Giá tôm thương phẩm Việt Nam được dự báo còn tiếp tục giảm nhẹ thời gian tới trước sức ép từ tôm Ecuador.
Thực phẩm Sao Ta cho biết hoạt động kinh doanh kỳ vọng sẽ khởi sắc từ quý 3/2023 khi các thị trường xuất khẩu diễn biến tích cực hơn.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC – sàn: HoSE) vừa công bố tình hình sản xuất kinh doanh tháng 5/2023 với doanh số đạt 10,9 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với doanh số tháng 4/2023. Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.
Thực phẩm Sao Ta cho biết mặc dù sản lượng tôm thành phẩm trong tháng trước đạt 2.761 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 948 tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, sản lượng nông sản thành phẩm trong tháng 5 chỉ đạt 123 tấn và lượng tiêu thụ đạt 115 tấn, lần lượt giảm 61% và 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, công ty cho biết đã hoàn tất thu hoạch tôm ở khu nuôi 320 ha và chuẩn bị thả nuôi khu mới có diện tích hơn 200 ha. Thực phẩm Sao Ta cũng đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường Nhật Bản và cho biết đã có nhiều lượt khách Nhật Bản đến đàm phán ký kết đơn hàng trong tháng 5.
Đánh giá về tình hình ngành tôm trong những tháng đầu năm nay, ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch Hội đồng Quản trị Thực phẩm Sao Ta, cho biết từ đầu năm đến nay, các ao nuôi tôm bị dịch bệnh tấn công khiến tôm chậm lớn và gây thiệt hại sản lượng. Cùng với đó, giá tôm thương phẩm trên thị trường thế giới thấp, sức mua giảm nên giá tôm thương phẩm tại đồng bằng sông Cửu Long giảm liên tục nhưng giá tôm nguyên liệu, chi phí thức ăn… lại đều tăng.
Những yếu tố này khiến người nuôi tôm không an tâm, nhiều nông hộ ngóng chờ giá tôm thương phẩm để quyết định việc thả giống, nên diện tích thả nuôi cả vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng chậm.
Trong khi đó, từ đầu quý 2/2023, các nước nuôi tôm ở Nam Bán cầu như Ecuador và Indonesia vào vụ sớm và chào hàng sớm như thông lệ, tạo thêm áp lực về sức cung, khiến giá tôm của Việt Nam chịu thêm sức ép. Ecuador hiện đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.
Đối với thị trường trong nước, lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết sản lượng tiêu thụ những tháng qua của nhiều doanh nghiệp không đạt mục tiêu khi sức mua của người dân yếu, khiến lượng hàng tồn kho còn khá lớn, tạo ra áp lực bán hàng bằng mọi giá.
Ông Hồ Quốc Lực nhận định giá tôm thương phẩm sẽ còn giảm trong thời gian tới nhưng cường độ giảm sẽ không còn quá mạnh. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc trở lại từ đầu quý 3/2023 khi diễn biến các thị trường xuất khẩu tích cực hơn.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/6, cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta đạt 41.800 đồng/cổ phiếu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1/2023, lượng tôm được Trung Quốc nhập từ Ecuador tăng 43%, Argentina tăng 205%... nhưng nhập khẩu từ Việt Nam lại giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu do giá tôm thương phẩm Ecuador và Argentina rẻ hơn nhiều so với giá tôm Việt Nam. Chẳng hạn, giá tôm Ecuador xuất khẩu vào Trung Quốc trong tháng 3 và 4/2023 có giá dao động 5,31 USD/kg. Trong khi đó, giá trung bình tôm chân trắng Việt Nam sang Trung Quốc trong quý 1 cao nhất lên tới 6,8 USD/kg.
Trung Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu tôm trọng điểm của Việt Nam và được kỳ vọng sẽ đem lại động lực phục hồi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay khi nước này tái mở cửa nền kinh tế, giải phóng sức mua bị kìm hãm trong thời gian dài vừa qua.