Các công ty Mỹ như Procter & Gamble, Starbucks và MGM Resorts International đều cho biết sự phục hồi của Trung Quốc đang thúc đẩy doanh số bán hàng toàn cầu…
Với dân số và tầng lớp trung lưu đông đảo, Trung Quốc là thị trường hấp dẫn đối với nhiều công ty đa quốc gia khi họ phải chứng kiến sự chững lại trong hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Nhưng chính sách zero Covid khắt khe trong hai năm qua, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đã gây tổn hại lớn cho nền kinh tế của đất nước tỷ dân và cả doanh thu của nhiều công ty quốc tế ở đây.
Sau khi lệnh hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ vào tháng 12/2022, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,5% trong quý đầu năm 2023. Các công ty Mỹ ghi nhận nhu cầu ở Trung Quốc đang quay trở lại, thúc đẩy doanh số bán hàng của họ vào thời điểm nhiều người tiêu dùng Mỹ phải cắt giảm chi tiêu.
Trong một lưu ý nghiên cứu về nhóm người tiêu dùng Trung Quốc của Morgan Stanley, nhà phân tích Kelly Kim cho biết họ kỳ vọng rằng sự phục hồi tại Trung Quốc sẽ diễn ra theo ba giai đoạn: kỳ nghỉ xuân từ tháng 2 đến tháng 4, “chi tiêu trả thù” mùa hè từ tháng 5 đến tháng 7 và phục hồi ổn định bắt đầu từ tháng 8 đến cuối năm.
Tuy nhiên, sự phục hồi đã không diễn ra nhanh chóng và ấn tượng như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Hầu hết các công ty vẫn đang chờ đợi để vượt qua mức doanh số bán hàng trước đại dịch ở Trung Quốc. Phân khúc bán lẻ du lịch thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn để phục hồi trở lại.
Nhà hàng và dịch vụ giải trí
Các chuỗi nhà hàng của Mỹ nằm trong số những công ty đầu tiên nhận thấy nhu cầu quay trở lại ở Trung Quốc. Nhưng doanh số bán hàng nhìn chung vẫn chưa thể vượt qua con số của năm 2019.
Starbucks đã báo cáo doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng ở Trung Quốc tăng 3% trong quý gần nhất, đảo ngược đà sụt giảm trong năm ngoái.
Một năm trước đó, chuỗi cửa hàng cafe đã tạm hoãn lại dự báo triển vọng trong năm, với lý do lockdown ở Trung Quốc là một trong những yếu tố chính dẫn đến quyết định này. Trong quý 1/2022, doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng của Starbucks ở Trung Quốc đã giảm 23%.
Chi nhánh Yum China của tập đoàn Yum Brands cũng cho biết doanh số bán hàng tại cùng cửa hàng của họ đã tăng 8% trong quý đầu tiên. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của KFC và lớn thứ hai của Pizza Hut.
“Chúng tôi được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại và chứng kiến mức tăng trưởng hơn 40% ở cấp độ giao thông vận tải và khách du lịch. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng tại các địa điểm này trong quý đầu tiên vẫn thấp hơn 20% đến 30% so với mức của năm 2019,” giám đốc điều hành Yum China Joey Wat nói với các nhà phân tích trong cuộc gọi hội nghị của công ty.
Quảng cáo
Bên cạnh lĩnh vực nhà hàng, người tiêu dùng Trung Quốc dường như cũng đang hào phóng chi tiêu cho du lịch nội địa, đặc biệt là tại các công viên giải trí và sòng bạc. Sự gia tăng chi tiêu cho du lịch và giải trí từ đó đã hỗ trợ cho một loạt công ty quốc tế vào đầu năm năm.
Cụ thể, Disney công bố kết quả tài chính được cải thiện tại các khu nghỉ dưỡng Disneyland ở Thượng Hải và Hồng Kông. Giám đốc tài chính Christine McCarthy nói với các nhà phân tích trong cuộc gọi hội nghị của công ty: “Chúng tôi thực sự hài lòng khi thấy được sự bật tăng trở lại trong hoạt động sau 2 năm vật lộn với đại dịch”.
Macao, trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới, đã chứng kiến sự hồi sinh trong mảng du lịch sau khi các yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch từ đại lục, Hồng Kông và Đài Loan bị bãi bỏ. Du lịch Macao đã đạt mốc cao điểm trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng Giêng vừa qua. MGM Resorts International, tập đoàn vận hành các địa điểm MGM Cotai và MGM Macao trong khu vực, đã báo cáo lợi nhuận tăng trưởng nhanh chóng khi lượng người ghé qua các sòng bạc Trung Quốc của họ đạt mức trước đại dịch. Trong quý đầu tiên, các chi nhánh của tập đoàn tại Trung Quốc đã tạo ra thu nhập được điều chỉnh là 169 triệu USD, tương đương 88% thu nhập được điều chỉnh của bốn năm trước đó.
Một công ty hoạt động đa quốc gia khác của Mỹ, Airbnb cho biết trong quý gần nhất, bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của họ đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái đối với các đơn đặt phòng và trải nghiệm du lịch. Vào năm 2022, Airbnb đã phải tạm thời đóng cửa hoạt động kinh doanh nội địa tại Trung Quốc vào năm 2022 để tập trung vào việc giúp khách hàng Trung Quốc tìm kiếm địa điểm cư trú ở nước ngoài.
“Hoạt động của Airbnb được khuyến khích bởi việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại gần đây mặc dù chúng tôi dự đoán sự phục hồi ở sẽ diễn ra từ từ do những thách thức với năng lực chuyến bay còn hạn chế,” công ty viết trong thư gửi cổ đông hàng quý.
Phân khúc bán lẻ du lịch
Trong khi nhiều doanh nghiệp Mỹ đang được hưởng lợi từ sự phục hồi tiêu dùng Trung Quốc, một số công ty khác vẫn đang chờ đợi sự phục hồi tương tự trong lĩnh vực bán lẻ du lịch.
SK-II, thương hiệu chăm sóc da cao cấp thuộc sở hữu của Procter & Gamble, đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng trở lại tại Trung Quốc, ngoại trừ phân khúc bán lẻ du lịch đáng chú ý. Nhìn chung, doanh số bán hàng hữu cơ của Procter & Gamble đã tăng 2% tại Trung Quốc. Khi tính linh động trong di chuyển của người tiêu dùng tăng lên, gã khổng lồ hàng tiêu dùng đóng gói kỳ vọng doanh thu sẽ phục hồi hơn nữa.
Scott Roe, giám đốc tài chính của Tapestry - công ty mẹ của các thương hiệu thời trang Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman, cho biết công ty đã bắt đầu nhận thấy lượng khách du lịch nội địa Trung Quốc tăng lên, bao gồm cả ở Hồng Kông và Macao. Tapestry dự kiến doanh thu sẽ đạt mức trung bình một con số trong năm tài chính, bao gồm cả mức tăng dự kiến khoảng 50% trong quý tới. Động lực bán hàng của công ty tại Trung Quốc đang giúp bù đắp cho sự suy yếu ở Mỹ, khi người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn với kênh bán lẻ du lịch ở Trung Quốc, nhưng ít nhất có một công ty đã chứng kiến doanh số bán hàng ấn tượng tại các cửa hàng miễn thuế và điểm du lịch tăng trở lại.
Tập đoàn mỹ phẩm Coty cho biết họ đã thấy lưu lượng người tiêu dùng quay trở lại các nhà bán lẻ và chỉ ra nhiều chuyến bay hơn đến Macao và “thiên đường mua sắm” Hải Nam, nơi công ty sở hữu hàng chục địa điểm bán lẻ. Công ty sở hữu Covergirl, các dòng sản phẩm làm đẹp của Kylie Jenner, và một loạt nhãn hiệu nước hoa và mỹ phẩm thiết kế riêng. Doanh số bán lẻ du lịch của Coty tăng hơn 30% trong quý.
Tình trạng dư thừa hàng tồn kho đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Coty trong quý gần nhất, nhưng doanh số bán hàng của tháng 4 vẫn cao hơn cả cùng kỳ năm ngoái và thậm chí là hai năm trước đó. Nhà phân tích Korinne Wolfmeyer của Piper Sandler đã gọi Coty là một trong những cổ phiếu ngành mỹ phẩm yêu thích của bà trong một lưu ý gửi cho khách hàng sau báo cáo thu nhập hàng quý của Coty. “Chúng tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng về thị trường làm đẹp tại Trung Quốc trong thời gian tới, nhưng cụ thể đối với Coty, chúng tôi coi các khoản đầu tư chiến lược của công ty vào khu vực và việc ra mắt sản phẩm chính là động lực thúc đẩy hoạt động vượt trội của thị trường”, bà Korinne Wolfmeyer nhận định.