Năm tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 5, giá trị xuất khẩu đạt 331 triệu USD, giảm 28%....
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong tháng 5/2023, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính vẫn đồng loạt giảm 2 con số. Xuất khẩu tôm sang những thị trường nhỏ hơn như Anh, Đài Loan ghi nhận tăng trưởng dương. Trung Quốc đứng thứ nhất về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23%. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai, chiếm tỷ trọng 21%.
Tính tới tháng 5 năm nay, Trung Quốc và Mỹ có kim ngạch xuất khẩu tăng dần đều nhưng vẫn âm so với cùng kỳ. Cụ thể, tại trường Trung Quốc, trong tháng 5 vẫn ghi nhận tăng trưởng âm nhưng tốc độ giảm đã ít hơn so với những tháng trước đó (tháng 3 ghi nhận mức giảm 40%, tháng 4 giảm 22%, tháng 5 mức giảm là 11%).
Thị trường Mỹ, 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu tôm vào Mỹ đạt 521 triệu pao (khoảng 236.039 tấn), giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 4/2023, nhập khẩu một số sản phẩm tôm của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ ghi nhận tăng trưởng so với tháng 3/2023 như tôm nguyên liệu còn vỏ tăng 211% so với tháng 3/2023, tôm nguyên liệu bóc vỏ tăng 46%, tôm hấp và tôm bao bột tăng lần lượt 13% và 20%.
Lý giải tình trạng trên, VASEPcho rằng dịch bệnh, chiến tranh dẫn đến kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát gia tăng. Người dân thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu, lựa chọn những thực phẩm giá rẻ…
Trong khi đó, nguồn cung trên thế giới tăng do, đặc biệt từ Ecuador, Indonesia thu hoạch tôm sớm với sản lượng tôm trúng mùa cả về lượng và kích thước tôm, cạnh tranh với tôm Việt Nam. Các nước này cũng đang cung ứng với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1-2 USD/kg, khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn. Ngành tôm đang chờ các giải pháp tháo gỡ khó khăn
Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục trong các tháng vừa qua, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn ngành tôm.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, VASEP đề xuất Ngân hàng Nhà nước có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nếu tiếp cận được nguồn tín dụng sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý 1/2024. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi tôm có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi trong giai đoạn hiện nay thay vì treo ao.
Ngoài ra, ngành tôm cũng đang trông chờ Chính phủ và các bộ ngành có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành về giảm các chi phí, giảm lãi vay, tiền điện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định phòng cháy…
Năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, với những khó khăn hết năm 2023 xuất khẩu tôm dừng lại ở mức 3 tỉ USD "đã là thành công".