Khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm...
Chứng khoán ngày 13/2/2023, áp lực bán áp đảo trong phiên hôm nay khiến các chỉ số rơi khá mạnh, nhưng cầu bắt đáy về cuối phiên đã giúp cho mức giảm bị thu hẹp một phần. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 11,6 điểm (-1,1%) xuống 1.043,7 điểm; HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,92%) xuống 204,49 điểm.
Độ rộng toàn thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 700 mã giảm và 185 mã tăng. Trong nhóm VN30 (-0,8%), sắc đỏ cũng áp đảo với 21 mã giảm, 8 mã tăng và 1 mã tham chiếu.
Thanh khoản ở cả hai sàn đều có sự cải thiện đáng kể so với ba phiên trước đó và hiện đã vượt qua mức trung bình của 20 phiên gần nhất. Cụ thể, khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 681 triệu đơn vị, với giá trị hơn 10,4 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 82,7 triệu đơn vị, với giá trị hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.
Các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên VN-Index có thể kể đến là VCB (-1,1%) lấy đi 1,185 điểm, VHM (-2,2%) lấy đi 1,091 điểm, VPB (-2,9%) lấy đi 0,845 điểm. Ngược lại, BID (+3,4%), MSN (+1,9%) và SAB (+1,3%) là những mã đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số.
HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ trước sức ép từ các trụ cột trong chỉ số như SHS (-5,9%), CEO (-8,5%), HUT (-5%)...
Ngành thủy sản và chứng khoán là hai ngành giảm mạnh nhất. Cụ thể, nhóm chế biến thủy sản ghi nhận ACL, ANV, IDI, VHC giảm sàn , AAM mất 3%, MPC giảm 1,7% lùi về mức giá 17,600 đồng/cp, FMC lùi nhẹ 0,8%; tại nhóm chứng khoán sắc đỏ cũng áp đảo với 23/25 mã giảm cùng nhiều mã giảm sâu như VND (-3,9%), HCM (-4,2%), FTS (-4,9%), BSI (-5,1%)…
Áp lực điều chỉnh cũng ghi nhận tại nhiều nhóm ngành chính của thị trường như bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, vật liệu xây dựng…
Về giao dịch của khối ngoại, khối này bán ròng tổng cộng 80,2 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó KDH (48 tỷ), MSN (20 tỷ) và BID (19 tỷ) là những mã bị bán ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 16,16 tỷ đồng, trong đó CEO là mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị 6,6 tỷ đồng.
Chờ phục hồi để hạ tỷ trọng
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Chứng khoán ngày hôm nay, VN-Index kết phiên với cây nến rút chân mạnh về cuối phiên đi kèm thanh khoản tăng mạnh, cho thấy đã có một phần lực cầu trở lại ở vùng giá thấp. VN-Index hiện tại đã tạm ngưng đà giảm khi chạm vùng nền hỗ trợ tích lũy giữa tháng 1 ở quanh khu vực 1.040 – 1.065 điểm.
Với diễn biến ngày hôm nay, khả năng cao thị trường sẽ có sự phục hồi trở lại trong các phiên chứng khoán ngày tới nhưng nếu để giải ngân trở lại thì vẫn cần rất thận trọng khi chỉ số có thể chỉ hồi phục ngắn sau đó lại quay đầu giảm tiếp ngay trong phiên.
Nhìn chung, với sự tích cực về cuối phiên ngày hôm nay, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi nhưng nếu muốn giải ngân mua mới thì hiện tại đang quá rủi ro.
Xu hướng ngắn hạn hiện tại đang là giảm điểm. Chiến lược giao dịch ngắn hạn là nên chờ phục hồi để cân nhắc hạ tỷ trọng hoặc đứng ngoài quan sát thị trường và quan sát thêm tín hiệu tại vùng cân bằng trước đó ở quanh 1.065 – 1.070 điểm.
Áp lực bán vẫn gia tăng
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chứng khoán ngày 13/2, dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến đỏ giảm điểm nằm dưới đường trung bình động MA200. Tại khung đồ thị ngày, với việc đang có xu hướng mở xuống dưới cùng với các chỉ báo đều đồng loạt cho tín hiệu tiêu cực cho thấy rủi ro trong ngắn hạn đã gia tăng lên đáng kể.
Xét tại khung đồ thị giờ, đường DI- và ADX chỉ báo cho sức mạnh xu hướng cũng đã tăng lên gần 40 cho thấy áp lực bán vẫn đang gia tăng và chưa có dấu hiệu chững lại.
Khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm.
Có thể mở vị thế mua trading tại 1.027-1.034 điểm
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Triển vọng của thị trường đang không tích cực trong ngắn hạn khi VN-Index hình thành cây nến đỏ thứ hai liên tiếp với giá đóng cửa thấp nhất tuần. Điều này hàm ý khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong những tuần tới.
Vùng hỗ trợ của chỉ số trên đồ thị tuần nằm tại 988-1.002 điểm. Giai đoạn này chỉ thích hợp với các nhà đầu tư ưa thích hoạt động trading ngắn và có khẩu vị rủi ro cao.
Các vùng điểm có thể xem xét mở các vị thế mua trading nhà đầu tư có thể tham khảo tại vùng 1.027-1.034 điểm và 995-1.010 điểm. Đối với mặt bằng chung các nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài quan sát thị trường.
Vùng hỗ trợ 1.030-1.037 điểm
Chứng khoán MB (MBS)
Chứng khoán ngày 13/2, phiên giảm mạnh thứ 4 trong 5 phiên vừa qua khiến nhiều cổ phiếu rơi vào trạng thái cắt lỗ. Kể từ mức đỉnh gần nhất, chỉ số VN-Index đã giảm 8,3% nhưng nhiều cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn khiến nhà đầu tư buộc phải bán trong phiên chiều nay. Chỉ số này xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ mạnh là MA50, MA100 ngày.
Về kỹ thuật, vùng hỗ trợ đối với chỉ số VN-Index ở khu vực 1.030-1.037 điểm, nhà đầu tư nên căn cứ vào các ngưỡng hỗ trợ của cổ phiếu để xử lý vị thế khi thị trường không giữ được vùng hỗ trợ như trên.
Xu hướng giảm điểm đóng vai trò chủ đạo
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chứng khoán ngày hôm nay, VN-Index giảm điểm với biên độ mở rộng trong phiên trước khi hồi phục và lấy lại một phần điểm số đã mất về cuối phiên.
Vùng hỗ trợ gần quanh 1.040 (+-5) đã cho phản ứng và giúp cho chỉ số tránh được một nhịp giảm sâu trong phiên. Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index đang đứng trước rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ sâu hơn quanh 101x.
Khuyến nghị nhà đầu tư bán hạ tỷ trọng trading trong các nhịp hồi sớm.