Với đà hồi phục vào cuối phiên hôm nay, chứng khoán ngày mai được kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục đà hồi phục và thành công lấy lại vùng 1030 điểm để tái tích lũy trở lại.
Chứng khoán ngày 20/12, diễn biến thị trường chứng khoán là một màu đỏ kéo dài từ đầu cho đến hết phiên. Về chiều, cầu bắt đáy xuất hiện nhưng là không đủ sức để giúp thị trường kết phiên trong sắc xanh.
Chốt ngày, VN-Index còn 1.023,13 điểm giảm 15,27 điểm (-1,47%). HNX-Index giảm 4,71 điểm (-2,22%) dừng ở mức 207,53 điểm. UPCOM-Index giảm 1,09 điểm (-1,51%) dừng ở 71,03 điểm.
Trên sàn HOSE có 1,75 tỷ cổ phiếu trao tay với giá trị giao dịch trên 17.400 tỷ đồng. Con số này ở sàn HNX lần lượt là 135 triệu cổ phiếu và 1.750 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về tiêu cực với 705 mã giảm, 130 mã đứng giá và chỉ có 192 mã là tăng giá.
Ba cổ phiếu tác động xấu nhất VN-Index là HPG (-5%), TCB (-5,3%), VPB (-3,6%) lấy đi lần lượt 1,458, 1,365, 1,099 điểm. Ở hướng ngược lại VNM (+2,2%), CTG (+1,6%), HVN (+4,9%) đóng góp lần lượt 0,891, 0,542, 0,389 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán giảm mạnh trong phiên hôm nay trước áp lực bán áp đảo. Những mã tiêu biểu có thể kể đến như SSI (-3,4%), MBB (-4,1%), TPB (-2,2%), VIB (-5,1%), HDB (-4%)...
Cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tiêu cực với nhiều cổ phiếu bị bán về mức giá sàn như NVL (-6,9%), DIG (-6,9%), HPX (-6,9%), LDG (-6,9%), IJC (-6,9%), ITA (-7%)...
Gần như toàn bộ các nhóm ngành chính trên thị trường đều giảm trong phiên hôm nay.
Khối ngoại tiếp tục là lực đỡ cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi mua ròng 1.862,6 tỷ đồng trên sàn HOSE. VPD, HPG, STB là ba mã được mua ròng nhiều nhất với lần lượt 785, 123, 121 tỷ đồng. Có thể nói việc mua ròng kiên định của khối này đã góp một phần giúp thị trường Việt Nam tránh một phiên bán tháo.
Sóng hồi có thể còn tiếp tục tiếp diễn
Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHB)
Chứng khoán ngày 20/12, VN-Index tiếp tục điều chỉnh mạnh và làm rộng thêm biên độ điều chỉnh của sóng hồi, do đó thời gian quay trở lại trạng thái hồi phục tiếp theo sẽ dài hơn so với kỳ vọng (sau khi thị trường biến động nhẹ trong tuần trước). Xét về tổng thể VN-Index trên thực tế đã thoát khỏi kênh downtrend trung hạn và đang vận động trong sóng hồi phục đầu tiên, ngưỡng hỗ trợ của VN-Index cho đợt điều chỉnh hiện tại là quanh 1.000 điểm.
Do đó việc thị trường điều chỉnh hiện tại chưa làm thay đổi trạng thái vận động nhưng mức độ chặt chẽ của khu vực tích lũy trong điều chỉnh rộng ra sẽ làm đợt hồi phục tiếp theo ít tin cậy hơn. Thị trường vẫn trong khu vực điều chỉnh của sóng hồi (chưa xác nhận uptrend) do đó với góc nhìn ngắn hạn, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng đợt điều chỉnh đang diễn ra để tham gia vào thị trường.
Xét xu hướng trung hạn, thị trường đang vận động trong sóng hồi và chưa xác định uptrend, dự báo quá trình hồi phục của thị trường sẽ song hành với các giai đoạn điều chỉnh và biên giao động của VN-Index (VN30) theo thời gian sẽ hẹp dần. Giai đoạn hiện tại là giai đoạn hồi phục đầu tiên sau khi kết thúc downtrend, do đó sóng hồi có thể còn tiếp tục tiếp diễn (giai đoạn hồi phục đầu tiên luôn là giai đoạn biến động mạnh).
Giai đoạn điều chỉnh như hiện tại vẫn là cơ hội để các nhà đầu tư trung, dài hạn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để đón đầu đợt sóng hồi tiếp theo. Mục tiêu của VN-Index sau giai đoạn điều chỉnh sẽ hướng tới 1.150 điểm.
VN-Index tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chứng khoán ngày hôm nay giảm mạnh vào cuối phiên trước sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và chứng khoán với thanh khoản tăng nhẹ. Khối ngoại mua ròng trong phiên hôm nay, tập trung ở VPD (5,1%), HPG (-5%), STB (+0,2%).
Lực cầu bắt đáy gia tăng quanh vùng hỗ trợ sâu 100x, tương ứng với MA50, đã cho phản ứng và giúp cho chỉ số tránh được một nhịp giảm sâu. Mặc dù vậy, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh trong phiên tiếp theo trước khi thiết lập một mặt bằng giá vững chắc hơn.
Khuyến nghị nhà đầu tư chỉ kê lệnh mua giá thấp khi chỉ số về lại vùng hỗ trợ sâu.
Giằng co trong vùng 1.010 – 1.030 điểm
Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường duy trì đà đi xuống trong cả ngày hôm nay trước khi đột ngột quay đầu lội dòng vào cuối phiên, thu hẹp đà giảm từ gần 30 điểm xuống còn hơn 15 điểm. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.023,13 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 14/19 ngành giảm điểm, trong đó ngành Tài nguyên Cơ bản có mức giảm mạnh nhất, theo sau là Dịch vụ tài chính, Hóa chất, Ô tô và phụ tùng…
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng gần 2.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Vậy là hiện tại VN-Index đã rơi khỏi vùng 1.030 - 1.060, tuy nhiên cây nến rút chân cho thấy lực bắt đáy xuất hiện ở quanh 1.010.
Dự báo chứng khoán ngày mai, thị trường có thể sẽ có những phiên giằng co trong vùng 1.010 – 1.030, hoặc lùi xuống tiếp và bật lên tại vùng 1.000.
Kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục đà hồi phục
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Chứng khoán ngày 20/12, VN-Index kết phiên với cây nến hammer giảm điểm đi kèm thanh khoản lớn cho thấy áp lực bán gia tăng rất lớn. Tuy nhiên, nhờ lực cầu ở vùng giá thấp nên chỉ số đã hồi phục trở lại phần nào.
Nhìn chung, nhịp giảm điều chỉnh này vẫn chủ yếu là mang tính rũ bỏ khi thị trường đã có 2 tuần đi ngang và chưa thể đạt trạng thái cân bằng trong ngắn hạn. Vùng giá trị bình quân 50 ngày hiện tại đang là mốc hỗ trợ tích cực của chỉ số khi có lực cầu lớn của tổ chức.
Với đà hồi phục vào cuối phiên hôm nay, kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục đà hồi phục trong phiên ngày mai và thành công lấy lại vùng 1030 điểm để tái tích lũy trở lại.
Nhóm cổ phiếu ngành thép ghi nhận một phiên giảm điểm mạnh chủ yếu do đà giảm của mã cổ phiếu trụ vốn hóa lớn là HPG. Tuy nhiên, việc có vài mã giảm sàn cũng báo hiệu đà tăng của nhóm thép đang suy yếu. Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản là nhóm tiêu cực nhất trong phiên hôm nay khi là nhóm giảm mạnh nhất thị trường đi cùng với số lượng mã giảm sàn lớn.
Xem xét thực hiện giải ngân
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Chứng khoán ngày hôm nay, 9 trên 11 nhóm giảm điểm, đứng đầu là nhóm công nghiệp, giảm -3,59%, do tác động của HPG (-5,00%), GEX (-6,82%) và DIG (-6,94%). Theo sau đó là nhóm công nghệ, với mức giảm -2,95% do sự đi xuống của DGW (-4,43%), CMG (-3,03%), ELC (-6,92%).
Về quan điểm đầu tư, thị trường có thể kiểm định các vùng hỗ trợ 1015-1018 điểm và 988-1002 điểm. Các nhà đầu tư có thể xem xét thực hiện giải ngân mua các cổ phiếu nếu thị trường kiểm định các vùng hỗ trợ tốt.