Một số chuyên gia và nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ vừa nhận định Chính phủ Ấn Độ có thể sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo khi rủi ro nguồn cung từ niên vụ hiện tại đã giảm xuống đáng kể.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Express (Ấn Độ), ông Anil Kumar Mittal - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng KRBL, một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, cho biết: “Lượng mưa tại Ấn Độ cho đến nay đã đủ và diện tích gieo mạ cho vụ Hè – Thu đã vượt năm ngoái nên Chính phủ Ấn Độ có thể sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ”.
Trước đó, vào ngày 20/7, Chính phủ Ấn Độ đã đột ngột cấm xuất khẩu gạo tẻ (vốn chiếm đến 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này) với lý do “đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa”. Giới quan sát nhận định đây là động thái kìm hãm lạm phát của giới chức nước này trong bối cảnh đợt bầu cử mới sắp bắt đầu. Lạm phát tại Ấn Độ đã ở mức hai con số kể từ tháng 10/2022 đến nay.
Với vị thế chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, động thái này của Ấn Độ đã tạo ra một cú sốc cung cho thị trường lương thực thế giới. Hiện giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam, hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, đều ở mức cao nhất 15 năm trở lại đây.
Theo ông Anil Kumar Mittal, giá bán lẻ gạo tại Ấn Độ đã tăng 15% trong 4 tháng qua. Tuy nhiên, khi diện tích trồng lúa tăng lên, giá gạo dự kiến giảm vào tháng 9 và tháng 10 khi vụ Hè – Thu tại nước này bắt đầu vào kỳ thu hoạch.
Xem thêm: "Dự trữ gạo đang cao gấp 3 lần mục tiêu, Ấn Độ có thể xuất khẩu gạo trở lại?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho thấy, tính đến ngày 4/8, đã có 28,3 triệu ha trồng lúa tại Ấn Độ được gieo mạ, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin “có tính tin cậy cao” cho biết, tính đến ngày 1/8/2023, lượng gạo dự trữ của Ấn Độ hiện đạt 24,6 triệu tấn gạo, cùng với đó là 13 triệu tấn thóc đang được tồn trữ tại các kho. Con số này cao gấp 3 lần so với mức mục tiêu dự trữ mà Chính phủ Ấn Độ đề ra. Trước đó, vào ngày 1/7, Chính phủ Ấn Độ đã đề ra mục tiêu dự trữ lương thực là 13,5 triệu tấn gạo, bao gồm dự trữ chiến lược 2 triệu tấn cho quý 3/2023.
Theo Reuters, nguồn tin này cho biết “Chúng tôi (Chính phủ Ấn Độ) đang khá yên tâm về cung ứng gạo. Lượng dự trữ gạo hiện nay đã ở mức dư thừa và vụ thu hoạch tiếp theo đang đến gần”.
Một số chuyên gia quốc tế và các nhà xuất khẩu gạo lớn của Ấn Độ đánh giá lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ của Chính phủ Ấn Độ có thể không kéo dài do mối lo ngại về rủi ro nguồn cung từ mùa vụ hiện tại đã giảm xuống.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (AIREA), B.V. Krishna Rao, cho biết nếu sản lượng vụ mới bội thu, Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ (FCI), vốn đóng vai trò chủ chốt trong việc thu mua lương thực của Chính phủ Ấn Độ, sẽ buộc phải thu mua khối lượng lớn gạo từ nông dân. Điều đó sẽ khiến lượng dự trữ gạo của Chính phủ càng tăng hơn nữa.
Xem thêm: "Mắc cạn khi lướt sóng cổ phiếu gạo, nhà đầu tư cổ phiếu VSF lỗ hơn 30% chỉ sau 2 phiên giao dịch" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ông B.V. Krishna Rao cũng cho biết lệnh cấm xuất khẩu sẽ làm tăng nguồn cung trong nước và hạ giá lúa gạo xuống ngang mức giá hỗ trợ do Chính phủ Ấn Độ quy định hoặc mức giá đảm bảo, là 2.183 rupee (26,4 USD)/100 kg, buộc FCI phải mua thêm gạo từ nông dân.
Sau khi quá trình thu mua lúa gạo bắt đầu, Chính phủ Ấn Độ sẽ đánh giá thực tế tình hình nguồn cung cho tới tháng 12 năm nay và xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ, ông B.V. Krishna Rao nhận định.
Từ tháng 9/2022, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo không thuộc giống Basmati và gạo không thuộc giống gạo đồ, nhằm cải thiện nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, trong năm 2022, Ấn Độ vẫn xuất khẩu kỷ lục 22,34 triệu tấn gạo tới hơn 140 quốc gia khác nhau.
Hiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã liên tục thúc giục Ấn Độ dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng vì điều này đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng mạnh.