Theo các chuyên gia, áp lực gia tăng lên tỷ giá là khá dễ hiểu. Mặc dù vậy, đây không phải vấn đề đáng ngại khi bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt so với giai đoạn biến động cuối năm trước.
Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng thời gian qua liên tục tăng mạnh, vượt mốc 24.500 đồng trong một số thời điểm.
Sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam được coi là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá những tháng gần đây. Theo đó, kể từ đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %; cùng thời gian đó, Fed cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %.
Tỷ giá USD/VND càng chịu thêm sức ép khi cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Fed đang đến gần và NHTW Mỹ vẫn có khả năng tăng thêm lãi suất. Điều này sẽ nới rộng chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng vốn đang ở mức cao kỷ lục.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu & phân tích thuộc BIDV mới đây đã chỉ ra nhiều yếu tố tác động gây bất lợi với tỷ giá trong thời gian tới.
Đầu tiên là áp lực từ thị trường quốc tế tiếp tục gia tăng khi chỉ số USD Index tiếp tục tăng khoảng 1,7% lên trên mốc 105, mức cao nhất trong 6 tháng qua. Chỉ trong hai tháng gần đây chỉ số USD Index đã tăng tới 5,5%.
Các chuyên gia nhận định rằng đà tăng của chỉ số USD lần này bền vững hơn một số đợt tăng khác trong tháng 2 và tháng 3 năm nay do triển vọng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm và thoát khỏi cuộc suy thoái trong giai đoạn tới đang trở nên sáng sủa hơn.
Đồng thời, một số nền kinh tế đối trọng với Mỹ là EU và Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn với những câu chuyện riêng, chẳng hạn như EU là vấn đề giá cả hàng hóa leo thang khiến cán cân thương mại thâm hụt sâu hơn hay Trung Quốc là câu chuyện về thị trường bất động sản.
Thứ hai, thị trường phát sinh một vài nhu cầu giao dịch lớn của Kho bạc Nhà nước và nhu cầu nhập khẩu xăng dầu tăng cao (do nhà máy Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 2 tháng) trong thời gian gần đây.
Thứ ba, chênh lệch lãi suất VND và USD tiếp tục âm sâu kéo dài, kỳ hạn 1 tuần đã chênh lệch từ 4 – 4,5 điểm phần trăm/năm làm gia tăng tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Và cuối cùng là tâm lý thị trường tiếp tục chuyển dịch xấu hơn khi môi trường quốc tế kém thuận lợi và tỷ giá trong nước tăng nhanh.
Theo các chuyên gia, áp lực gia tăng lên tỷ giá ở thời điểm hiện tại là khá dễ hiểu. Nhưng cũng cần lưu ý là bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt so với giai đoạn biến động cuối năm trước.
Môi trường tổng thể vĩ mô đã trở nên ổn định hơn và cân đối cung cầu ngoại tệ từ các hoạt động cơ bản của nền kinh tế vẫn thặng dư tích cực (cán cân thương mại, kiều hối, giải ngân FDI...) sẽ là các nền tảng quan trọng cho sự ổn định của tỷ giá khi nhìn về dài hạn.
Trong ngắn hạn, với dự báo các yếu tố chưa có thay đổi lớn, diễn biến của tỷ giá USD/VND sẽ phụ thuộc nhiều vào động thái can thiệp bình ổn của NHNN.
"Chúng tôi cho rằng tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt, đà tăng chậm lại trong 1-2 tháng tới. Nếu không có những diễn biến quá bất ngờ, tỷ giá USD/VND trong năm nay có thể tăng khoảng 3-4%. Đây cũng là mức biến động phù hợp đặt trong tương quan với chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền và diễn biến của cung cầu ngoại tệ trong nước", nhóm phân tích của BIDV nhận định.
Còn trong kịch bản tích cực hơn, khi môi trường quốc tế dịu xuống, chênh lệch lãi suất VND - USD co hẹp kéo theo cung cầu ngoại tệ trong nước dồi dào hơn, tỷ giá có thể giảm xuống về vùng 24.000 VND/USD.
Đồng quan điểm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối chứng khoán Dragon Capital cho rằng biến động gần đây của tỷ giá không đáng lo ngại,dòng tiền USD vào Việt Nam hiện tương đối tốt, thể hiện qua cán cân thương mại từng quý đang rất cao. Ngoài ra sai số trong cán cân thanh toán không còn cao.
"Từ tháng 6 trở đi, vấn đề tỷ giá đã không còn quá lo ngại do biến động tỷ giá chủ yếu đến từ chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ tương đối cao. Đợi đến khi Mỹ không thắt chặt chính sách tiền tệ. Chỉ số DXY (chỉ số sức mạnh USD) giảm xuống, Việt Nam sẽ có rất nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ", ông Tuấn nhận định.
Tỷ giá gia tăng áp lực lên xu hướng nới lỏng tiền tệ Tweet Theo dõi TheLEADER Từ khóa: tỷ giátăng tỷ giááp lựcđảo chiều chính sách