Đại biểu Quốc hội đang đặt vấn đề xung quanh đến tình trạng EVN thua lỗ và tại sao phải nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện mặt trời, điện gió không được lên lưới....
Mới đây, tại họp tổ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề xung quanh đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN thua lỗ, cùng với những khúc mắc liên quan tới các dự án năng lượng tái tạo đã được đề cập tới.
Cần làm rõ nguyên nhân EVN thua lỗ
Tại cuộc họp, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phản ánh băn khoăn của nhiều cử tri về việc điều chỉnh tăng giá điện. Đại biểu này cho hay, từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (vào năm 2019).
Tuy nhiên, đến nay, EVN tiếp tục báo lỗ, năm 2022 còn lỗ tới 26.000 tỷ đồng, và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên
Đáng nói, đại biểu Tạ Thị Yên còn cho biết, tuy báo lỗ, nhưng EVN không làm rõ nguyên nhân và giải pháp cụ thể.
Đồng thời, đại biểu Tạ Thị Yên còn chỉ ra một nghịch lý: cùng một hệ sinh thái, công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao.
Đại biểu Tạ Thị Yên dẫn chứng hai doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3 ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 là 2.550 tỷ đồng và Tổng công ty Phát điện 2 là 3.668 tỷ đồng.
“Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?”, đại biểu Yên đặt câu hỏi.
Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh
Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, "Tôi tham dự nhiều cuộc họp với ngành điện, trong tổng số 100% sản lượng điện phát lên, EVN chỉ phát trực tiếp 11%, 89% sản lượng còn lại là của các công ty và doanh nghiệp khác không thuộc EVN hoặc thuộc EVN nhưng là công ty cổ phần.
Từ đó, ông Minh đặt câu hỏi: EVN không tăng tiền mua điện cho 89% doanh nghiệp này, tại sao lại lỗ, trong khi giá bán vừa rồi đã tăng. Trong khi đó, số doanh nghiệp có sản lượng điện phát lên lưới trong giai đoạn 2021-2022 vẫn lãi rất lớn", ông Minh cho biết.
Phụ tải có phải là vấn đề chính?
Các đại biểu quốc hội cho rằng, rất lãng phí khi hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, thế nhưng khi xây dựng xong lại không thể đấu nối, phát điện, trong khi nền kinh tế thiếu điện, phải tăng cường mua điện của Lào, Trung Quốc.
Đại biểu Tạ Thị Yên nêu quan điểm, lúc EVN báo lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ.
"Vấn đề trên vô hình chung tạo ra sự lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng, giải pháp lâu dài cho ngành điện là chúng ta phải nghiên cứu, tìm ra các phương án tối ưu, đảm bảo an ninh năng lượng; có thể tìm được nguồn nguyên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất.
Trong đó, cần cơ chế giá hợp lý các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện tái tạo tham gia vào kinh doanh điện", bà Tạ Thị Yên cho hay.
Dại biểu Đinh Ngọc Minh cũng đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta phải nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện mặt trời, điện gió không được lên lưới. Vì sao thế? Đây cũng là tài sản quốc gia, tại sao lãng phí như vậy!".
Ông Minh cũng cho biết, cử tri cho rằng, sở dĩ 4.600 MW không được lên lưới là sai về thủ tục, quy chế. Nhưng trong báo cáo của Chính phủ không thấy có giải pháp nào để cải tiến vấn đề này.
Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương xem vấn đề này có vướng gì không? Nếu vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải tỏa được nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm.
Tuy nhiên, theo ông Phớc, Bộ trưởng Bộ Công Thương bảo rằng “không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi”.
nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài? Bộ trưởng Công Thương trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Đấy là nguyên nhân và chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào”, ông Phớc cho hay.
Theo Bộ trưởng Tài chính, cần phải sửa một số quy định, đặc biệt ách tắc nhất là Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công. “Ngay cả mấy năm nay chúng ta ban hành Luật Quy hoạch nhưng vẫn loay hoay không triển khai được, rồi cả vấn đề điện cũng thế, cả luật Đầu tư công cũng phải sửa, nếu chúng ta không sửa mà bảo phải có dự án rồi mới được bố trí vốn thì không ai làm được”, Bộ trưởng Tài chính cho hay.
Chiều 24/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi làm việc với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và đã thống nhất với chủ đầu tư 37 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để đàm phán giá và hợp đồng mua bán điện.
24 dự án trong số này chấp nhận giá tạm tính bằng 50% mức trần trong khung giá của Bộ Công Thương, tức khoảng 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Giá mua điện chính thức và quyết toán tiền sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm tính cho 80% số dự án trên, tức 19 dự án, tổng công suất 1.347 MW.