Các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cao nhất bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, VPBank, MB, Sacombank, ACB, SHB, Techcombank và LienVietPostBank.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2022 của 27 ngân hàng, tổng mức dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đạt hơn 165.800 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cuối năm trước.
Trong đó, BIDV là ngân hàng có mức trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất quý I/2022 với 35.592 tỷ đồng, tương đương tăng 22,3% so với cuối 2021.
Đứng thứ hai về mức trích lập dự phòng là Vietcombank với 31.192 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Vietcombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03, sớm trước hai năm so với thời hạn quy định của NHNN. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống.
VietinBank cũng tăng cường trích lập dự phòng trong quý vừa qua với số dư dự phòng rủi ro tăng 17,2% lên 25.795 tỷ đồng, giúp ngân hàng này giữ vững vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng.
Với nhóm ngân hàng tư nhân, VPBank đứng đầu về mức trích lập dự phòng rủi ro với 11.511 tỷ đồng, tăng 16,4%. Theo sau là MB với 10.328 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro trong quý I, tăng 17,9% so với cuối năm ngoái.
Ngoài ra, còn có ngân hàng Sacombank, ACB, SHB, Techcombank và LienVietPostBank. Tổng mức trích lập của các ngân hàng này đạt hơn 144.400 tỷ đồng, chiếm 87% tổng trích lập của các nhà băng được thống kê.
Xét về con số tương đối, trong số 24 nhà băng ghi nhận tăng trưởng trích lập dự phòng so với cùng kỳ, OCB là ngân hàng có mức tăng cao nhất với mức trích lập tăng 25,3% so với cuối năm ngoái. Một số ngân hàng khác cũng có trích lập dự phòng tăng mạnh so với cuối 2021 như BIDV (22,3%), TPBank (22,1%), Vietcombank (20,1%)...
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có ba nhà băng ghi nhận mức trích lập dự phòng giảm là ACB (giảm 0,1%), Viet Capital Bank (giảm 0,6%) và PG Bank (giảm 0,8%).
Thúy Hằng