Ngành ẩm thực và đồ uống sẽ cạnh tranh gay gắt trong 2024

Năm 2023, các khó khăn liên tiếp ập tới ảnh hưởng không nhỏ tới tiêu dùng khiến các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) tại Việt Nam gặp khó khăn vì suy giảm doanh thu.

 

Tuy vậy, năm vừa qua cũng chứng kiến vô vàn xu hướng kinh doanh, sản phẩm về ẩm thực. Các nhà bán hàng đã vô cùng nhanh nhạy, tìm ra các hướng đi mới, từ đó thu hút thực khách trải nghiệm.

TheLEADER đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc iPOS.vn, cùng nhìn lại những khó khăn và điểm sáng của năm cũ cùng những dự đoán cho năm 2024 để giúp các lãnh đạo doanh nghiệp F&B tìm ra hướng giải quyết những vấn đề hiện hữu.

Xin ông cho biết những nét chính trong bức tranh tổng quan về quy mô thị trường ngành F&B tại Việt Nam năm 2023. Liệu có điểm mới nào của thị trường so với những năm trước đây?

Ông Vũ Thanh Hùng: 2023 là một năm khó khăn cho ngành F&B và cả những đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ như chúng tôi cũng có những ảnh hưởng không nhỏ.

Số lượng cửa hàng đóng rất nhiều, bao gồm cả những thương hiệu lớn, nhỏ cũng đóng cửa các cửa hàng, các chi nhánh vận hành không hiệu quả. Ở góc độ tích cực, các doanh nghiệp F&B tạm thời đóng cửa các chi nhánh không hiệu quả do chi tiêu tại khu vực đó giảm, và có thể trở lại trong tương lai khi kinh tế ổn định. Theo tôi, đây là điều đáng mừng. Khi kinh tế khó khăn, chúng ta cần biết thu hẹp quy mô và tối ưu hơn nữa việc vận hành.

Những hình ảnh vắng vẻ của các khu phố trung tâm tại Hà Nội, TP.HCM khiến chúng ta cảm thấy lo sợ. Tuy vậy, cơ hội đang nghiêng về cho các doanh nghiệp có định hướng đầu tư với tầm nhìn xa hơn. Những mặt bằng đắc địa tại 2 thành phố lớn trên đang được các ông lớn trong ngành săn đón, và đầu tư mạnh mẽ. Theo tôi, đây là các doanh nghiệp tiên phong giúp cả thị trường F&B đi lên từ đáy.

2023 cũng là một năm đặc biệt, bởi ngành F&B đã biến chuyển linh hoạt để vượt qua khó khăn. Các xu hướng ẩm thực mới như: bánh đồng xu, xúc xích Hà Khẩu, cà phê muối, trà mãng cầu, được nhanh chóng thêm vào menu ngay trong thời điểm nóng nhất. Cùng sự kết hợp với hiệu ứng mạng xã hội, các chủ doanh nghiệp F&B đã có thể sống sót nhờ tính thích ứng nhanh nhạy.

Nhiều thương hiệu quốc tế là các chuỗi lớn đang dần thâm nhập vào thị trường F&B trong nước. Vậy ông đánh giá gì về thực trạng này và liệu có ảnh hưởng gì đến thị trường F&B tại Việt Nam hay không?

Ông Vũ Thanh Hùng: Theo tôi, đây là điều tích cực. Các thương hiệu quốc tế thường mang tới Việt Nam với dòng vốn lớn. Cũng như tôi đã đề cập phía trên, các doanh nghiệp mới đang kéo thị trường đi lên từ đáy.

Tại đây, tôi sẽ nhấn mạnh vào làn sóng ẩm thực Trung Quốc. Các doanh nghiệp từ quốc gia này đang ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam. Như bạn biết đấy, các xu hướng về đồ ăn, đồ uống mới gần đây, phần lớn xuất hiện từ đất nước tỷ dân như: Xúc xích Hà Khẩu, trà chanh giã tay,… cho đến các mô hình cao cấp về ẩm thực Trung Hoa, cũng được đầu tư bài bản hơn.

Làn sóng này đang giúp thị trường F&B thêm tính đa dạng, và gia tăng trải nghiệm trên cùng một mức giá. Tôi lấy ví dụ, với thương hiệu trà sữa Mixue cùng hơn 1.000 điểm bán hàng trên toàn quốc, đã kéo ngành trà sữa tại Việt Nam cùng nhìn lại thị trường, từ đó thay đổi sản phẩm và gia tăng giá trị cho khách hàng của mình.

Theo tôi, làn sóng ẩm thực Trung Hoa còn được bắt nguồn từ tư duy "hàng Trung Quốc nội địa có chất lượng tốt". Các thương hiệu, sản phẩm đã được khẳng định tại thị trường nội địa Trung, từ đó gây tính tò mò trải nghiệm và sử dụng. Tôi cũng phải công nhận, sản phẩm ẩm thực từ các doanh nghiệp Trung Quốc có giá thành hợp lý, dễ tiếp cận và hợp khẩu vị người Việt. Đồng thời, người tiêu dùng cũng dần quên đi nỗi lo nguồn gốc thực phẩm tới từ Trung Quốc, do tư duy an tâm khi sử dụng sản phẩm nội địa Trung.

Nhìn chung, với tính cạnh tranh cao từ các thương hiệu quốc tế, các ông chủ F&B tại Việt Nam cần xác định rõ điểm mạnh của mình, tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, từ đó đưa ra quyết định để thích ứng, cập nhật sản phẩm và trải nghiệm tới người tiêu dùng.

Vậy cùng với diễn biến chung của thị trường, hành vi và nhu cầu của thực khách liệu có sự thay đổi nào đáng lưu ý?

Ông Vũ Thanh Hùng: Theo ghi nhận của chúng tôi, trung bình các hóa đơn thanh toán năm 2023 có mức tăng trưởng khoảng 5% so với cùng kỳ.

Theo tôi, có 3 lý do đáng kể cho sự thay đổi này. Một là, người tiêu dùng giảm tần suất ăn uống bên ngoài, nhưng tăng chi cho các lần sử dụng. Đây có thể được coi là Xu hướng tiêu dùng trả thù, thường thấy trong thời điểm Covid-19 vừa qua. Hai là, việc đi ăn ngoài sẽ có xu hướng đi theo nhóm đông, vừa được trải nghiệm nhiều món ăn nhưng có mức chi phí chia đầu người thấp hơn. Ba là, các cửa hàng F&B đang có xu hướng tối ưu hơn Menu để bán được thêm nhiều món khác trên cùng một hóa đơn.

Nhìn chung, các thay đổi này đều có hướng tích cực. Điểm chung là, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Họ cắt giảm tần xuất nhưng vẫn sẵn sàng trả thêm chi phí cho những sản phẩm và trải nghiệm dịch vụ tốt

Sự thay đổi của thị trường, kinh tế thế giới và trong nước hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức mới. Theo ông, đâu là những hạn chế cần khắc phục và đổi mới của các doanh nghiệp F&B Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Ông Vũ Thanh Hùng: Thích ứng vẫn là cụm từ quan trọng trong kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào trong năm 2024. Mặc dù ngành F&B đã vượt qua đáy, nhưng các tín hiệu khởi sắc chưa thực sự rõ ràng. Trong thời điểm này, các doanh nghiệp F&B tiếp tục phải tối ưu thêm vận hành và cải thiện dịch vụ để tăng trải nghiệm thực khách.

Cuộc chiến cạnh tranh trong ngành F&B trong năm 2024 sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn, khi khách hàng có xu hướng phân hóa cao, một nhóm khách hàng lớn sẽ chỉ lựa chọn sản phẩm khi họ thấy có tiện và lợi. Các trend về ẩm thực sẽ “dễ đến dễ đi”, sau khi khách hàng đã thỏa trí tò mò.

Nói về giá thành, các doanh nghiệp sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: Giữ nguyên giá bán và tăng chất lượng sản phẩm hoặc giữ nguyên chất lượng nhưng giảm giá bán hoặc lồng ghép các chương trình khuyến mãi thông minh.

Đối với các mô hình kinh doanh F&B trung cấp trở lên, tôi cho rằng họ dễ dàng hơn khi lựa chọn tăng giá trị sử dụng trên mỗi hóa đơn của khách hàng. Các yếu tố như: dịch vụ chuyên nghiệp, nhân viên thân thiện,… cần thường xuyên được cải thiện, kiểm tra, đốc thúc nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, các mô hình này có thể thử nghiệm các món ăn mới, hay “lướt sóng” các món ăn trend. Táo bạo hơn, nhà hàng có thể học theo thương hiệu Haidilao về màn nhảy múa mì, hay vũ điệu làng lá,… giúp tăng một khoản doanh thu nho nhỏ và tạo hiệu ứng truyền thông cho nhà hàng.

Khi tổng giá trị trải nghiệm lớn hơn giá trị hoá đơn nghĩa là cửa hàng đang thành công.

iPOS.vn có dự định gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam?

Ông Vũ Thanh Hùng: iPOS.vn có sứ mệnh là giúp các doanh nghiệp F&B kinh doanh tốt hơn mỗi ngày. Trong hơn 13 năm đồng hành, iPOS.vn đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp F&B trong việc quản lý, vận hành kinh doanh. Tuy vậy, 2024 sẽ đòi hỏi nhiều hơn, bởi chỉ vận hành trơn tru thì chưa đủ.

Mục tiêu của iPOS.vn là mang khách hàng và cơ hội bán hàng cho các doanh nghiệp F&B. Trong năm 2024, chúng tôi sẽ hoàn thiện tính năng Cửa hàng Online - trang đại diện cửa hàng trên MoMo, với nhiều tính năng nổi trội giúp các cửa hàng chủ động truyền thông nhanh chóng. Dù mới trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi đã ghi nhận các tín hiệu khả quan, với gần 10.000 doanh nghiệp mở mới và số lượng khách hàng thu thập thông tin khuyến mãi và đến sử dụng lên đến gần 3 triệu lượt.

Vậy theo ông, 2024 sẽ là một năm như thế nào?

Ông Vũ Thanh Hùng: Tôi có niềm tin rằng 2024 là năm tăng tốc, bứt phá. Trong nửa cuối năm 2023 vừa qua, chúng ta đã thấy những tín hiệu vô cùng tích cực từ các chính sách vĩ mô, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung. Các đơn vị nhà nước cũng tích cực hỗ trợ, gia tăng chuỗi giá trị cho ngành F&B, với nhiều sự kiện và hoạt động kết nối giao thương.

Nhìn chung như đã đề cập ở phía trên, các thương hiệu F&B tại Việt Nam sẽ nhận được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng về dịch vụ và trải nghiệm. Tuy nhiên, các điểm sáng tích cực từ quy mô dân số trẻ, thu nhập tăng cao theo từng năm, những tiến bộ về công nghệ thông tin sẽ cho ra đời những sản phẩm hoặc trải nghiệm mới,… vẫn sẽ khiến năm 2024 là một năm sáng của thị trường.

Năm 2024 sẽ không chỉ là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội. Các chuỗi F&B quốc tế sẽ thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, khiến cho thị trường ngày càng đa dạng và nhiều ẩn số thú vị.

Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.