Tiki "hụt hơi", nhà sáng lập kiêm CEO Trần Ngọc Thái Sơn từ chức?

Nguồn tin từ DealStreetAsia cho hay, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập và CEO của nền tảng thương mại điện tử Tiki, được cho là đã gửi đơn từ chức lên hội đồng quản trị công ty...

Đây là một thông tin khá bất ngờ bởi không chỉ là CEO, ông Trần Ngọc Thái Sơn còn là đồng sáng lập nên Tiki từ 13 năm trước.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn sinh năm 1981, từng tốt nghiệp thạc sĩ ngành thương mại điện tử tại Đại học New South Wales, Úc năm 2007. Sau đó, ông đã có một thời gian làm thiết kế Web cho Impaq Interactive tại Thái Lan. Về Việt Nam, ông đã làm ở các vị trí như Giám đốc Marketing cho Vinabook và Quản lý điều hành ở Vega (Clip.vn).

Lấy cảm hứng từ Jeff Bezos của Amazon, năm 2010, anh Sơn thành lập Tiki – xuất phát điểm là một nền tảng bán sách tiếng Anh online với nhà kho được đặt tại nhà để xe của gia đình và văn phòng ở ngay trong phòng ngủ. Tiki là viết tắt của 2 từ tìm kiếm và tiết kiệm. Cái tên Tiki thể hiện tầm nhìn của ông Sơn về việc mang đến cho người tiêu dùng địa phương trải nghiệm mua sắm tốt hơn và giá thành phải chăng hơn.

Bên cạnh đó, vào năm 2018, ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng là một trong hai cái tên duy nhất của Việt Nam được góp mặt trong danh sách 30 nhà sáng lập hàng đầu Đông Nam Á do Tech in Asia bình chọn.

Sau đó, Tiki đã vươn ra ngoài phạm vi là một nền tảng bán sách trực tuyến. Tính đến năm 2018, Tiki có 5 triệu người dùng, 350.000 sản phẩm thuộc 20 ngành hàng như sách, điện tử, đồ gia dụng, làm đẹp, mẹ và bé.

Với đặc thù ngành thương mại điện tử cần nhiều vốn để tăng quy mô doanh nghiệp, CEO Thái Sơn kêu gọi đầu tư sau hai năm thành lập công ty. Năm 2012, anh gọi vốn lần đầu từ quỹ CyberAgent Ventures.

Tiki nhanh chóng trở thành công ty thương mại điện tử duy nhất nhận vốn của tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản vào năm sau. Đặc biệt, Tiki gây ấn tượng khi nhận khoản đầu tư lớn nhất từ VNG năm 2015 và tập đoàn lớn JD.com, Trung Quốc năm 2017.

Dưới sự dẫn dắt của ông Sơn, Tiki từng có thời điểm được định giá ở mức 832 triệu USD vào năm 2021, tiệm cận trạng thái "kỳ lân" (các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên).

Tuy nhiên, những năm gần đây, Tiki đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và cạnh tranh khốc liệt với các sàn thương mại điện tử khác trên thị trường. Dựa trên tiêu chí lưu lượng truy cập cả trên web và thông qua ứng dụng, Tiki đều đang tụt lại phía sau so với các sàn thương mại điện tử ngoại là Shopee và Lazada, theo dữ liệu của iPrice Group. TikTok Shop - "sàn thương mại 1 tuổi" kể từ tiến vào thị trường Việt Nam cũng đe dọa lớn đến doanh số bán hàng của Tiki khi người dùng dần bị hấp dẫn bởi các video ngắn bán hàng trên TikTok.

Tiki cũng đuối sức trong cuộc đua GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa). Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2023 do công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works vừa công bố, tổng giá trị giao dịch hàng hóa trên thương mại điện tử năm 2022 tại Việt Nam đạt 9 tỷ USD. Trong đó, giá trị giao dịch hàng hóa trên Shopee chiếm tới 63% tổng GMV toàn thị trường, đạt khoảng 5,67 tỷ USD (khoảng 113.245 tỷ đồng).

Đứng ở vị trí thứ hai là Lazada, với thị phần tính theo GMV chỉ đạt khoảng 2,7 tỷ USD (khoảng 63.450 tỷ đồng), bằng 1/3 thành tích của Shopee. Tuy nhiên, Tiki chỉ đóng góp 6% vào tổng GMV của thương mại điện tử Việt Nam, tương ứng 540 triệu USD.

Do đó, tổng doanh thu của Tiki ghi nhận mức giảm 7% trong năm tài chính 2022 so với năm tài chính 2021. Cùng kỳ, chi phí ghi nhận mức tăng 4%. Kết quả là lỗ hoạt động của Tiki đã tăng 39% trong năm tài chính 2022.

Trần Ngọc Thái Sơn

 

Tính đến tháng 3/2022, Tiki có khoảng 187 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương trên bảng cân đối kế toán. Con số này bao gồm số tiền thu được từ đợt gây quỹ khổng lồ trị giá 258 triệu USD vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, số tiền này chưa phản ánh khoản đầu tư 90 triệu USD của Tập đoàn tài chính Shinhan có trụ sở tại Hàn Quốc vào tháng 5/2022.

Nếu tính thêm cả 90 triệu USD đó vào bảng cân đối kế toán và giả định rằng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Tiki là 100 triệu USD, công ty có thể hoạt động trong 3 năm nữa trước khi cần thêm vốn. Điều này cũng cho thấy rằng việc IPO có thể đợi đến năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Với tình hình tài chính đang có nhiều trở ngại cùng với việc CEO kiêm nhà sáng lập Trần Ngọc Thái Sơn từ chức, Tiki chắc chắn sẽ gặp thách thức trong thời gian tới, dù có muốn IPO hay không.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.