Morgan Stanley đã nhận thấy tác động đáng chú ý đến nền kinh tế cũng như chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ nhờ các chuyến lưu diễn của Taylor Swift và Beyoncé, cũng như hai bộ phim bom tấn mùa hè “Barbie” và “Oppenheimer”…
Theo một báo cáo của Morgan Stanley, chi tiêu tiêu dùng thực tế trong quý 3 của Mỹ dự kiến sẽ tăng 1,9%, một phần nhờ vào các chuyến lưu diễn ấn tượng của hai siêu sao âm nhạc Taylor Swift và Beyoncé cũng như loạt bộ phim bom tấn mùa hè “Barbie” và “Oppenheimer”.
Nhưng hào quang kinh tế chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn, Morgan Stanley cảnh báo.
Tổng hợp lại, nhà kinh tế học Sarah Wolfe cho biết mức doanh thu chưa từng có gắn liền với những sự kiện này sẽ tăng thêm 1/7 điểm phần trăm vào tăng trưởng tiêu dùng trong quý. Chúng nằm trong nhóm tiêu dùng phim và giải trí trực tiếp phi thể thao trong chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).
Hai lĩnh vực nói trên lần lượt chiếm khoảng 0,2% và 0,05% trên tổng chỉ số. Điều đó có nghĩa là người hâm mộ đã chi đủ tiền vào các lĩnh vực thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ này để có thể thúc đẩy đáng kể sức khỏe của nền kinh tế Mỹ nói chung.
Các chuyến lưu diễn “Eras” của Taylor Swift và “Renaissance” của Beyoncé đã lấp đầy các sân vận động trên khắp đất nước. Đặc biệt, chuyến lưu diễn của Taylor Swift đã thu hút sự chú ý vì thị trường bán lại đắt đỏ và sự khó khăn trong việc mua vé khiến Ticketmaster bị người hâm mộ cũng như các nhà lập pháp theo sát chặt chẽ.
Trong khi đó, Beyoncé đã gây chú ý về việc đề xuất trả phí để duy trì hệ thống tàu điện ngầm của Washington D.C. hoạt động muộn hơn thông thường sau khi buổi biểu diễn bị trì hoãn do thời tiết khắc nghiệt.
Cả hai chuyến lưu diễn đều được ghi nhận đã góp phần thúc đẩy kinh tế của các thành phố mà họ ghé thăm. Tác động này đã thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, từ các chủ doanh nghiệp địa phương đến Cục Dự trữ Liên bang. Tháng trước, Chủ tịch Fed Philadelphia đã báo cáo, khi concert của Taylor Swift diễn ra, lượng đặt phòng khách sạn tại tiểu bang cho thấy mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ đại dịch.
“Mặc dù du lịch trong khu vực nhìn chung phục hồi chậm, nhưng tháng 5 là tháng mạnh nhất về doanh thu của khách sạn ở Philadelphia nhờ vào lượng khách đến xem buổi hòa nhạc của Taylor Swift”, các quan chức ngân hàng trung ương cho biết trong Beige Book, một bản tóm tắt về hoạt động kinh tế được phát hành tám lần một năm.
Bên cạnh làn sóng lưu diễn âm nhạc lớn, loạt bộ phim bom tấn mùa hè là “Barbie” và “Oppenheimer” của Universal cũng đã “phá đảo” doanh thu phòng vé vào tháng trước. “Barbie” đã trở thành bộ phim có doanh thu phát hành cao nhất ở Mỹ trong năm nay, trong khi “Oppenheimer” hiện là bộ phim có thành tích xuất sắc thứ ba từ trước đến nay của đạo diễn Christopher Nolan. Cùng với một số bộ phim khác, tuần 21/7 được đánh giá là tuần mở màn lớn thứ tư từ trước đến nay trong lịch sử phòng vé Mỹ. Đặc biệt, các nhà bán lẻ cũng nhanh chóng tham gia vào cơn sốt “Barbie” và “Oppenheimer”, tung ra vô số các mặt hàng theo chủ đề từ giày cao gót đến phao bơi và văn phòng phẩm để thu hút người tiêu dùng.
Nhưng việc kết thúc các chuyến lưu diễn âm nhạc ở Mỹ và lượng người xem rạp giảm trong thời gian còn lại của năm sẽ có thể dẫn đến “hiệu ứng hangover” (hiệu ứng mệt mỏi sau cơn say) đối với chi tiêu của người tiêu dùng trong quý 4. Morgan Stanley dự đoán, PCE thực sẽ giảm 0,6% trong khoảng thời gian từ cuối quý 3 đến quý 4.
Đồng thời, “sự trở lại” của các khoản vay sinh viên vào mùa thu cũng sẽ kéo mức tiêu thụ giảm thêm 1/8 điểm phần trăm.
Nhưng nhà kinh tế học Sarah Wolfe lưu ý rằng lực cản đối với chi tiêu tiêu dùng sau khi hết thời hạn trả khoản vay sinh viên sẽ được giảm bớt phần nào nhờ chính sách gia hạn 12 tháng của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Theo kế hoạch này, những người đi vay không kịp thanh toán trong năm đầu tiên sẽ tránh được một số hậu quả hà khắc nhất.