Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến nhân dân quy định việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể, theo điều 229 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), người có hành vi vi phạm trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:
Thứ nhất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai.
Theo số liệu thống kê, hết ngày 20/2/2023 đã có 7 bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Thứ hai, thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Thứ ba, vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.
Theo đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai mà phát hiện người có hành vi vi phạm trong quản lý đất đai thì trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra có quyền đề nghị người có thẩm quyền đình chỉ hoặc tạm đình chỉ công tác của người có hành vi vi phạm.
Và báo cáo cơ quan có thẩm quyền cao hơn để đưa ra các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thông báo tiến độ thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân, theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ.
Theo số liệu thống kê, hết ngày 20/2/2023 đã có 7 bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhận được 12 ý kiến góp ý bằng thư điện tử và gửi trực tiếp về bộ; 457 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân.
Nội dung góp ý tập trung ý kiến nhiều nhất là: Chương I quy định chung; chương VII bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; chương X đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chương VI thu hồi đất, trưng dụng đất; chương XI tài chính về đất đai, giá đất; chương IX giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất,…