Lạm phát tăng tốc, ECB sẽ sớm đảo chiều chính sách tiền tệ?

Lạm phát Khu vực đồng Euro đã tăng tốc trong tháng 5, gây ra nghi ngờ về khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ sớm tiến hành cắt giảm lãi suất…

Chỉ vài ngày trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chuẩn bị tổ chức cuộc họp để công bố đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm, báo cáo mới nhất đã bất ngờ cho thấy lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 5 đã tăng mạnh hơn so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế.

Diễn biến mới này tiếp tục đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách trong việc cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo dữ liệu sơ bộ từ Eurostat, chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) tại Khu vực đồng Euro trong tháng 5 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ, vượt dự báo 2,5% và và cao hơn mức 2,4% ghi nhận trong tháng 4. Điều này đánh dấu lần tăng tỷ lệ lạm phát hàng năm đầu tiên kể từ tháng 12/2023. Tính theo cơ sở hàng tháng, HICP tăng 0,2%, chậm hơn so với mức 0,6% của tháng 4.

Đáng chú ý, lạm phát năng lượng lần đầu tiên chuyển sang mức dương 0,3% so với cùng kỳ kể từ tháng 4/2023.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực và năng lượng, cũng tăng trong tháng 5 và chấm dứt 9 tháng có tốc độ chậm lại. Lạm phát cơ bản cũng tăng từ mức 2,7% trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5, cao hơn dự đoán 2,8% trước đó.

Trong số các quốc gia thành viên, tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất trong tháng 5 được ghi nhận ở Bỉ (4,9%), Croatia (4,3%) và Bồ Đào Nha (3,9%).

Ngược lại, Phần Lan (0,5%), Ý (0,8%) và Litva (0,8%) là những nơi có tỷ lệ lạm phát hàng năm thấp nhất trong khối.

screenshot-2024-06-02-at-110341-4938.png
Lạm phát Khu vực đồng Euro tăng nhẹ trong tháng 5

Dữ liệu lạm phát tháng 5 là một trong những thông tin đầu vào quan trọng cuối cùng trước cuộc họp của ECB vào ngày 6/6 tới, khi ngân hàng trung ương châu Âu dự kiến ​​sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm.

Một số nhà hoạch định chính sách của ECB gần đây đã chỉ ra ưu tiên cắt giảm lãi suất vào tháng 6, do đó những dấu hiệu về lạm phát tăng nhẹ khó có thể làm thay đổi kế hoạch của họ.

Nếu không cắt giảm lãi suất, ECB có thể gửi một tín hiệu đáng lo ngại tới những người tham gia thị trường rằng áp lực lạm phát đang tái xuất hiện và việc duy trì lãi suất hạn chế là cần thiết.

ECB có thể sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất vào tháng 6 nhưng không cam kết cắt giảm thêm, như nhà kinh tế trưởng Philip Lane đã nêu trong bài phát biểu ngày 27/5 của mình. Ông Lane nhấn mạnh rằng tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai sẽ chậm hơn nếu có những bất ngờ gia tăng về lạm phát cơ bản, đặc biệt là trong phân khúc nội địa và dịch vụ.

ECB dự báo tỷ lệ lạm phát cơ bản trong quý 2/2024 trung bình vào khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức 2,7% trong tháng 4 và 2,9% trong tháng 5, chỉ số trong tháng 6 sẽ cần nằm trong khoảng từ 2% đến 2,1% để phù hợp với dự báo trước đó của ECB, nhưng điều này có vẻ khó xảy ra.

Hạn chót cho các dự báo kinh tế vĩ mô tháng 6 của ECB đã trôi qua, cho thấy rằng ước tính lạm phát cơ bản quý hai sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ.

Một số ý kiến cho rằng trong cuộc họp sắp tới, Tổng Giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde sẽ phải thừa nhận rằng mục tiêu đưa lạm phát trở lại mốc 2% có thể chậm hơn một chút so với dự báo trước đó.

Tin liên quan

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng tích cực

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng tích cực

Các ý kiến tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 cho thấy, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực tháng 5 đạt kết quả cao hơn tháng 4 và tính chung 5 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có 10 kết quả nổi bật.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.