Lời giải cho bài toán kinh tế báo chí: Thay đổi cách quản trị

Doanh thu của các báo, tạp chí đang ngày càng khó khăn hơn do phải cạnh tranh gay gắt về nguồn thu quảng cáo với các nền tảng mạng xã hội.

Thách thức của các toà soạn báo

Vấn đề kinh tế báo chí tại Việt Nam tiếp tục nóng khi nhiều cơ quan báo chí bị sụt giảm mạnh, điển hình là khối ngành báo in và báo mạng điện tử. 

Bức tranh tài chính được Bộ Thông tin và truyền thông phác thảo cho thấy tính đến cuối năm 2023 của các báo mạng điện tử và tạp chí cho thấy, có 39% cơ quan báo, tạp chí tự bảo đảm chi thường xuyên, 36% cơ quan tự bảo đảm một phần; 25% các cơ quan báo chí được ngân sách chi thường xuyên. 

Như vậy, số cơ quan báo, tạp chí tự lo trang trải và đầu tư phát triển không nhiều, chủ yếu được hỗ trợ từ ngân sách.

Đối với khối cơ quan phát thanh, truyền hình, con số này còn thấp hơn nhiều. Chỉ có 5,6% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; hơn 26% đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. 

Trong khi đó, gần 70% đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và truyền thông, doanh thu của các báo, tạp chí chín tháng đầu năm 2023 đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh truyền hình giảm hơn 20% so với năm trước. 

Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo hàngngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo. Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút mỗi ngày.

Báo chí trong 'cuộc chơi' trí tuệ nhân tạo
Báo chí trong 'cuộc chơi' trí tuệ nhân tạo

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu rõ một thực tế là dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. 

Ở nhiều thời điểm, doanh thu từ quảng cáo chiếm trên 60%, thậm chí là 90% nguồn thu của một số cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ.

Sự phát triển mạnh mẽ của internet và sự ra đời của nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... đã chiếm lĩnh một thị phần không nhỏ về dịch vụ quảng cáo, truyền thông; cạnh tranh mạnh mẽ với các cơ quan báo chí, tạp chí.

Nói rõ hơn về thực trạng này, tại Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” do tạp chí Thông tin và Truyền thông, báo Vietnamnet tổ chức, ông Nguyễn Văn Dững, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội đang cạnh tranh ngày càng gay gắt với cơ quan báo chí. 

Các mạng xã hội chủ yếu do các “đại gia” công nghệ nắm giữ với nhiều thuật toán thông minh giúp kết nối và tạo ra không gian giao tiếp phóng khoáng và tự do hơn. Trong khi đó, môi trường báo chí không có thuật toán kích thích nhu cầu giao tiếp, kết nối và năng lực sáng tạo cho công chúng. 

"Do đó, báo chí đang mất dần công chúng và thị phần, kèm theo mất dần nguồn thu là điều dễ hiểu. Công chúng mới, thị trường mới nhưng hoạt động báo chí chưa kịp mới", ông Dững chia sẻ.

Mặt khác, báo chí hiện chưa thích ứng kịp với môi trường truyền thông số, cùng với nhận thức chưa kịp cập nhật về bản chất và nguồn gốc sức mạnh của báo chí, nên nội dung và hình thức thông tin báo chí còn đơn điệu, một chiều và thụ động.

Nhiều biểu hiện cho thấy không ít cơ quan báo chí hoạt động thiếu chuyên nghiệp, bị động, sợ trách nhiệm và “ngồi chờ” trước các sự kiện nóng dồn dập xẩy ra.

Nhiều cơ quan báo chí thiếu chiến lược phát triển, chiếm lĩnh công chúng, khách hàng và thị trường. Đội ngũ nhân sự chưa được đào tạo, tập huấn lại để thích ứng với môi trường truyền thông số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hướng tới phục vụ công chúng xã hội, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng, thị trường.

Cần đa dạng các nguồn thu

Trên cơ sở nâng cao chất lượng và hoạt động của báo chí, ông Nguyễn Việt Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, việc thu phí đọc báo cũng cần được nghiên cứu để tăng nguồn thu.

Phần lớn các tờ báo mạng Việt Nam chưa có nguồn thu từ người dùng với tư cách độc giả. Đơn vị thu tiền từ người đọc báo là trang Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam, dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng số tiền thu từ độc giả chắc chắn chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nguồn thu của báo.

Đây là một nghịch lý của báo chí Việt Nam bởi thu phí người đọc báo online đang là xu thế chung của báo chí thế giới. Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, 50% lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 32 quốc gia kỳ vọng việc thu phí báo điện tử sẽ là nguồn thu chính trong thời gian tới.

Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để thu tiền từ người đọc báo online? Theo ông Việt Anh, các toà soạn cần có chiến lược cụ thể để phát triển theo hướng thu tiền từ người đọc.

Trước hết là chấp nhận lấy chất lượng bù số lượng. Theo kinh nghiệm thế giới, nhiều tờ báo áp dụng mô hình thu phí cứng, yêu cầu người dùng phải trả một khoản phí cố định hàng tháng để tiếp cận với nội dung của một tờ báo online.

Ví dụ tiêu biểu nhất cho việc áp dụng mô hình thu phí cứng là tờ The Times của Anh. Sau tháng đầu dùng thử, độc giả của The Times sẽ phải bỏ ra 10 bảng Anh (khoảng 285.000 đồng) mỗi tháng để được tiếp cận nội dung tờ báo.

Bằng một phép tính đơn giản, với khoảng 3,4 triệu thuê bao đăng ký đọc báo online, tờ The Times sẽ thu về 1.000 tỷ đồng mỗi tháng chỉ với nguồn thu từ người đọc.

Thực tế cho thấy, phương pháp này sẽ mang lại một nguồn tiền lớn và thường xuyên cho những tờ báo có người đọc trung thành, biết nhắm tới nhóm độc giả phù hợp và trở thành kẻ thống trị ở phân khúc khách hàng mục tiêu.

Tuy vậy, từ chối độc giả nếu không trả tiền là một tùy chọn mang đầy tính rủi ro cho các tòa soạn. Không phải người đọc nào cũng sẵn sàng trả phí. Bằng chứng là tờ The Times đã mất tới 90% độc giả online của mình khi việc thu phí hàng tháng được triển khai.

Ở hình thức thu phí mềm, tờ báo sẽ đặt ra một giới hạn cụ thể số lần người đọc được tiếp cận với nội dung miễn phí.

Với mô hình này, thách thức đặt ra là các tòa soạn phải lựa chọn ngưỡng bắt đầu thu phí là bao nhiêu? Có bao nhiêu nội dung được cho đi? Và cho đi đến bao nhiêu thì bắt đầu tính phí? Đây là vấn đề khó có thể tìm ra được đáp án chung. Điều này chỉ có thể giải đáp thông qua việc phân tích và thử nghiệm.

Không chỉ vậy, với thu phí mềm, nhiều chiến lược thu phí khác nhau có thể được đặt ra. Việc chọn ngưỡng thu phí theo từng khu vực cũng là cách để các tòa soạn vừa tối ưu được nguồn thu nhưng cũng vừa tăng được lượng độc giả và vùng ảnh hưởng của mình.

Đối với mô hình bán trả phí, người dùng sẽ được truy cập vào một lượng lớn nội dung miễn phí. Tuy nhiên, độc giả sẽ phải trả tiền để tiếp cận với những nội dung chuyên sâu hoặc để có được những trải nghiệm tốt hơn.

Nhìn chung, cả 3 mô hình thu phí cứng, thu phí mềm và bán trả phí đều có những ưu nhược điểm riêng. Việc vận dụng một cách linh hoạt 3 mô hình này theo từng kịch bản khác nhau sẽ mang tới những cách làm sáng tạo.

Theo ông Việt Anh, việc phát triển các mô hình báo chí trả tiền sẽ là lời gợi mở cho những người làm báo Việt Nam để có thể tăng chất lượng nội dung và cải thiện nguồn thu của toà soạn cũng như thu nhập cho những người làm báo.

Thay đổi cách quản trị

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước như sửa đổi Luật Báo chí cũng như nắn lại dòng quảng cáo trên không gian mạng để hỗ trợ kinh tế báo chí, các cơ quan báo chí cần thay đổi cách quản trị và quản trị sự thay đổi đó.

Ông Lâm khuyến khích các cơ quan báo chí mạnh dạn đưa ra những mô hình mới để làm báo, kinh doanh sản phẩm báo chí.

Trong quá trình tìm cách đi và tìm nguồn thu chính đáng cho báo chí, ông Lâm cho rằng không bỏ qua bất cứ một mối quan hệ xã hội nào, trong đó ông nhấn mạnh mối quan hệ vừa giám sát, vừa phản biện nhưng cũng đồng hành vì lợi ích chung với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Lâm, doanh nghiệp có nguồn lực nhưng cũng đối mặt với những khó khăn lớn hơn những khó khăn của cơ quan báo chí. Doanh nghiệp có kinh nghiệm vượt qua khó khăn, nhưng cũng cần sự đồng cảm, chia sẻ để cùng giải bài toán phát triển kinh tế.

Bổ sung thêm ông Dững cho rằng, cũng giống như mỗi doanh nghiệp khi chuẩn bị khởi nghiệp, cần phải xác định mối liên hệ giữa sản phẩm hàng hoá, dịch vụ với khách hàng. và báo chí cũng cần phải như vậy. 

Muốn chiếm lĩnh thị trường thông tin, cơ quan báo chí cần xác định và phân loại công chúng, hướng đến tổ chức sản xuất tin tức, sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng mục tiêu, từng bước biến công chúng thực tế thành khách hàng. 

Nói cách khác, người đứng đầu các cơ quan báo chí cần thiết lập quản cơ chế quản trị mục tiêu, quản trị mô hình, quản trị chất lượng, quản trị nhân sự, để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Kiến thức và kỹ năng quản trị sẽ giúp ban biên tập tìm được lối đi cho toà soạn để có thể vừa phát triển kinh tế báo chí bền vững, không chụp giật, vừa phụng sự nghiệp phát triển đất nước.

Báo chí và doanh nghiệp hậu Covid-19

Tin liên quan

2 vụ cháy liên tiếp: Thủ tướng chỉ đạo "đi từng ngõ, gõ từng nhà"

2 vụ cháy liên tiếp: Thủ tướng chỉ đạo "đi từng ngõ, gõ từng nhà"

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, UBND các địa phương yêu cầu ngành Điện phân công cán bộ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, góp phần hạn chế cháy, nổ do điện gây ra.
Thủ tướng: Các doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện tốt "5 tiên phong"

Thủ tướng: Các doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện tốt "5 tiên phong"

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tốt “5 tiên phong” và các Bộ, ngành quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

Gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng.
Cơ chế đặc thù thúc đẩy các dự án trọng điểm

Cơ chế đặc thù thúc đẩy các dự án trọng điểm

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược được xác định rõ trong Nghị quyết 43 của Quốc hội. Với các cơ chế đặc thù, lần đầu tiên trong lịch sử, 8 công trình giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai đồng loạt trên cả nước.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.