Thủ tướng: Các doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện tốt "5 tiên phong"

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tốt “5 tiên phong” và các Bộ, ngành quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chiều ngày 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và hơn 150 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. (Ảnh: VGP)

Tại Hội nghị, lãnh đạo các các bộ, ngành, nhất là lãnh đạo các doanh nghiệp tập trung đánh giá tình hình, vai trò, sự đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, hiến kế, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp.

Hội nghị nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi trong nước, nền kinh tế vẫn có những vấn đề nội tại, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao. Do đó kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy. Trong kết quả chung của cả nước có đóng góp quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước.

Riêng năm 2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 1,652 triệu tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng. Trong đó, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu. Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp Nhà nước là hơn 166.000 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch phê duyệt.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt hơn 823.000 tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn còn thua lỗ; kết quả giải ngân vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn chưa đạt kế hoạch; tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, sản xuất chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... chưa được xem xét, ưu tiên; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của các doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm…

hội nghị doanh nghiệp Nhà nước
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và hơn 150 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước. (Ảnh: VGP)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến phát biểu tại Hội nghị; giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các báo cáo, ý kiến, hoàn thiện, trình ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp sau Hội nghị. Đồng thời, hoan nghênh tri ân các doanh nghiệp Nhà nước đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong 5 tháng đầu năm 2024; mong các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục tham mưu kịp thời cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực doanh nghiệp Nhà nước - khu vực có tỷ trọng đóng góp lớn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác an sinh xã hội.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phức tạp, kinh tế trong nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức, vai trò doanh nghiệp Nhà nước một lần nữa được khẳng định và phát huy, tiếp tục là công cụ hữu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường.

Những kết quả đạt nổi bật của doanh nghiệp Nhà nước 5 tháng đầu năm

Thủ tướng Chính phủ khẳng định những kết quả đạt được nổi bật của doanh nghiệp Nhà nước trong 5 tháng đầu năm nay.

Thứ nhất, doanh nghiệp Nhà nước bám sát, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được phê duyệt, trong đó tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đạt kết quả khả quan về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động.

Thứ hai, doanh nghiệp Nhà nước tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển và đạt nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo kế hoạch được phê duyệt. Đến hết tháng 5, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty lớn đạt trên 76.000 tỷ (bằng 38% kế hoạch năm và 120% so với cùng kỳ).

Một số dự án lớn trọng điểm, quan trọng quốc gia đạt giá trị thực hiện cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng như nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, Quảng Trạch 1, mở rộng thủy điện Hòa Bình, Yaly, đường dây 500 kV, chuỗi dự án điện khí lô B, các dự án giao thông (mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cảng hàng không Long Thành, các bến container số 3, 4 tại cảng Lạch Huyện), tái cơ cấu dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn) đạt kết quả tích cực…

Thứ ba, doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục giữ vững vị trí, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn thông qua cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, vận tải đường hàng không, đường biển, đường sắt, viễn thông, công nghệ thông tin…, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có doanh nghiệp Nhà nước địa phương phát triển mạnh, vươn ra khắp cả nước.

Thứ tư, khu vực doanh nghiệp Nhà nước từng bước chuyển mình trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm và áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín trong nước và thế giới. Một số doanh nghiệp Nhà nước lớn vươn lên đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ mới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bên cạnh các kết quả đạt được là rất cơ bản thời gian qua, Thủ tướng cho rằng hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Theo đó, việc khai thác nguồn vốn, tài sản chưa tương xứng với những gì được được giao; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, tình hình thế giới, có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhìn chung còn tồn tại những chậm trễ, vướng mắc về thể chế, dẫn tới mất cơ hội, giảm hiệu quả hoạt động, chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Hệ thống pháp luật về doanh nghiệp Nhà nước, quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan.

Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Quy mô đầu tư phát triển và sự tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước vào các dự án trọng điểm quốc gia còn khiêm tốn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Hiệu quả đầu tư phát triển về tổng thể chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án có vốn đầu tư lớn tiềm ẩn rủi ro, lỗ lũy kế lớn, liên tiếp trong nhiều năm.

Phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả, một số doanh nghiệp chưa tối ưu được hiệu quả nguồn vốn, quyết định đầu tư khi năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu mà chủ yếu dựa vào vốn vay, một số dự án tồn đọng kéo dài.

Năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, còn lạc hậu so với xu thế phát triển; công tác điều hành quản trị kinh doanh chưa được đổi mới nhiều, chưa thực sự hướng theo các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, phù hợp kinh tế thị trường hiện đại.

Chế độ đãi ngộ, xử lý trách nhiệm còn mang tính hành chính nhiều, chưa tạo động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường, năng lực quản trị, đầu tư, triển khai dự án nói chung còn thiếu, yếu. Phần lớn doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý năng lực còn hạn chế, hiệu quả kinh doanh thấp.

thủ tướng
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tốt “5 tiên phong” và các bộ, ngành quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất. (Ảnh: VGP)

Doanh nghiệp Nhà nước cần thực hiện tốt "5 tiên phong"

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa tăng tốc hết sức quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thời gian từ nay đến lúc đó không còn nhiều, do đó chúng ta phải phát huy những thành tựu đã đạt được trong hơn 3 năm qua, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, bất cập do chủ quan và khách quan.

Thủ tướng nêu bật một số định hướng, mà trước hết là luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Thứ hai, tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án đúng thời hạn quy định.

"Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vì vậy, với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động", Thủ tướng nêu rõ.

Thứ ba, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…; chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, 3 đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.

"Nếu doanh nghiệp Nhà nước không làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội thì thành phần kinh tế nào có thể làm được?", Thủ tướng đặt vấn đề.

Thứ năm, ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Phân tích thêm về nội dung này, Thủ tướng cho biết Nghị quyết 29 của Trung ương xác định rõ xây dựng và phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược.

Với mong muốn, kỳ vọng "mỗi bộ, ngành có một Viettel, mỗi tỉnh, thành có một Becamex", Thủ tướng cho rằng mô hình đã có, vấn đề là cần được nhân rộng ra.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị cũng xác định nghiên cứu chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

"Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu. đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá", Thủ tướng phát biểu và đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tốt "5 tiên phong": (1) Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (2) Tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; (3) Tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (4) Tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; (5) Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh.

Đối với một số số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu, than) phải đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế; đặc biệt là bảo đảm cung ứng điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong cung ứng lương thực, thực phẩm, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nắm bắt thị trường, phối hợp chặt chẽ triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Thủ tướng đồng ý việc sẽ tổ chức hội nghị 3 bên (Nhà nước, doanh nghiệp và người dân) về triển khai đề án này.

Đối với nhóm các doanh nghiệp Nhà nước cung ứng dịch vụ công ích, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cấp nước sạch, chống ngập úng. Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục nghiên cứu các giải pháp miễn giảm phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là với nước, cước viễn thông, chi phí logistics, cất hạ cánh…

Các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị tập trung phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhất là năm nay phải hoàn thành đầu tư phát triển 130.000 căn.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai quyết liệt, tiên phong trong việc giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, liên kết, phát triển kinh tế vùng.

Các Bộ, ngành, địa phương phải đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất

Đối với các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng đề nghị quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, doanh nghiệp hưởng thụ thật", "nói ít, làm nhiều", "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nỗ lực hơn nữa, bám sát tình hình quốc tế và khu vực, diễn biến trong nước và hoạt động của doanh nghiệp để luôn đổi mới; tiên phong trong tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế, chính sách, nghiên cứu chính sách ưu đãi để phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, rà soát các thủ tục pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng uỷ Khối các doanh nghiệp Trung ương đề xuất công tác cán bộ, tổ chức hợp lý, mang tính đặc thù với doanh nghiệp Nhà nước nhưng bảo đảm hài hoà trong tổng thể hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bộ Tài chính sớm nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết 68, đẩy mạnh phân cấp hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, tổng kết mô hình hoạt động phù hợp; phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý vốn, tài sản của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước thực hiện quyết liệt, đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện, khẩn trương, chủ động giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền, những vấn đề tồn đọng kéo dài, không đùn đẩy, né tránh; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao năng lực quản trị, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe, không bỏ qua ý kiến nào của doanh nghiệp, dù doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước, doanh nghiệp lớn hay nhỏ.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng với vai trò nòng cốt trong sử dụng, quản lý nguồn lực khổng lồ, với sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, trong đó có kết quả tích cực trong 5 tháng đầu năm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổng quát của năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn theo đúng tinh thần "đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

Gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng.
Cơ chế đặc thù thúc đẩy các dự án trọng điểm

Cơ chế đặc thù thúc đẩy các dự án trọng điểm

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược được xác định rõ trong Nghị quyết 43 của Quốc hội. Với các cơ chế đặc thù, lần đầu tiên trong lịch sử, 8 công trình giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai đồng loạt trên cả nước.
Thêm gói vay 5.000 tỷ đồng lãi suất cố định 5,25%/năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thêm gói vay 5.000 tỷ đồng lãi suất cố định 5,25%/năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Một trong những khó khăn phổ biến của doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh nghiệp SME) hiện nay là tình trạng thiếu hụt vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải liên tục cải tiến quy định, cung cấp nhiều gói vay linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp SME tiếp cận vốn thuận lợi và hiệu quả hơn.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.