Áp thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón: Lợi ích kép

Việc áp thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón được đánh giá là sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người nông dân và ngân sách nhà nước.
Việc áp thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón được đánh giá là sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người nông dân và ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp phân bón chịu lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Nhằm mục đích giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, phân bón đang từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 1/1/2015.

Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thuế GTGT hiện đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế và cần được xem xét, đánh giá lại nhằm giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân không đạt được khi giá thành phân bón bị tăng thêm 5 - 8% tùy loại. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, giá thành phân đạm tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%; phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 – 6,1%.

TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định: Do phân bón là mặt hàng không tính thuế nên không được khấu trừ các chi phí GTGT đã chi ra trong quá trình sản xuất. Điều này buộc các doanh nghiệp phải cộng các chi phí trên vào giá thành sản phẩm. Theo đó, toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT như đầu tư nhà xưởng, máy móc, điện, nguyên vật liệu... đều được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, gây đội chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá cao hơn 5 - 8%.

Với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua. Bên cạnh đó, do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hàm lượng công nghệ lớn...

sản xuất phân bón
Do phân bón là mặt hàng không tính thuế nên không được khấu trừ các chi phí GTGT đã chi ra trong quá trình sản xuất

Kỳ vọng dự thảo Luật Thuế GTGT mới

Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được xây dựng, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024 và áp dụng từ năm 2025. Đây được đánh giá là giải pháp quan trọng giúp gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Đồng thời mang lại hiệu quả cho nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, do các doanh nghiệp trong nước được giảm chi phí thuế GTGT đầu vào, giảm giá thành dẫn tới có thể giảm giá phân bón nhằm cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bình ổn giá trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất. Người nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn do các nhà sản xuất nội địa được hoàn thuế GTGT đầu vào và giá thành sản xuất giảm.

Bên cạnh đó, phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu thấp hơn phân bón sản xuất trong nước nên về tổng thể vẫn có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Đối với Nhà nước, nếu áp dụng thuế GTGT với phân bón thì phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này. Đồng thời, khi áp dụng thuế GTGT làm cho hiệu quả của doanh nghiệp trong nước được nâng cao do tăng cơ hội cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước từ khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Vinachem luôn đồng hành với người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, các đơn vị đã tổ chức hơn 3.000 hội thảo, hội nghị tập huấn, giới thiệu, tuyên truyền về sản phẩm, hướng dẫn sử dụng phân bón cho bà con nông dân; Cấp phân bón cho gần 100 mô hình trình diễn cho các loại cây trồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh và các Viện nghiên cứu để hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón thông minh và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Song song với đó, thực hiện rất nhiều chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn khoa học công nghệ, sử dụng phân bón thông minh; tư vấn, phổ biến quy trình sản xuất tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất lên tầm cao mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao...

Một số đơn vị có chủ trương bán sản phẩm phân bón chậm trả theo phương thức tín chấp cho nông dân trên địa bàn các tỉnh thông qua hệ thống các nhà phân phối như Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao; Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền...

Các doanh nghiệp cho rằng, nếu được sửa đổi Luật thuế GTGT theo hướng đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế GTGT, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện hơn để hỗ trợ người nông dân, khách hàng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.