Việc áp thuế 5% với phân bón “làm nóng” nghị trường Quốc hội

Tại phiên thảo luận trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, các đại biểu đã cùng nhau đóng góp ý kiến, tranh luận về vấn đề áp thuế suất 5% với phân bón...

Ngày 24/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề áp thuế suất với phân bón, các đại biểu đã tích cực thảo luận, nêu ý kiến đóng góp.

Theo đó, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) phát biểu, các đại biểu trong đoàn đều tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri liên quan đến chi phí đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu, giá thuê nhân công, vận chuyển tăng gấp nhiều lần. Sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam.

Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. Nếu Luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ngược lại, nếu dự thảo Luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách nhà nước thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân.

Như vậy, nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào. Theo đại biểu, Quốc hội và Chính phủ nên chọn cái được cho nông dân để thể hiện rõ các chính sách sẽ được luật hóa.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo xu thế và khuyến cáo, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.

Bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp, thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ kép. Vì vậy, đại biểu nhận thấy, nếu dự thảo Luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) đề nghị nên quy định mặt hàng phân bón là đối tượng áp dụng thuế suất 0% nhằm giảm giá thành sản phẩm hơn nữa cũng như khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Quy định như vậy càng có lợi cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng, nếu tăng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón là tăng chi phí đầu vào cho nông nghiệp. Nếu áp dụng mức thuế 5%, người chịu thuế này sẽ là người nông dân.

Về phía doanh nghiệp, chính sách của nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp và sản phẩm cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với các nhà sản xuất và hàng ngoại nhập. Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, không nên chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế giá trị tăng, nếu chuyển nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%.

Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu.

Qua đó, giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước. Hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Thái Lan…

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận thấy, việc Chính phủ đề xuất mức thuế 5% đối với mặt hàng phân bón và các mặt hàng nông nghiệp là có cơ sở.

Ông An đề nghị làm rõ giá phân bón tăng thời gian qua có phải do tăng thuế không? Đại biểu cho rằng, điều này không đúng. Phân bón tăng là do chi phí đầu vào, do vật tư… Do vậy, nếu tăng mức thuế mặt hàng này lên 5% thì cần phải đánh giá hết sức kỹ lưỡng.

“Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ được đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu thì người dân được lợi chứ không phải bị thiệt”, đại biểu phân tích.

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thì cần nhiều phương án, chính sách khác nhau, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này.

Đại biểu cũng không đồng tình với ý kiến đề nghị khấu trừ hoặc đưa về mức thuế suất 0%. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần thiết xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 10%.

Bên cạnh các ý kiến đồng tình và phản đối, một số đại biểu cho rằng cần xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng về việc này. Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho biết, dự thảo Luật lần này đã chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết và cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Vì phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều mặt, đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón và người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) đề nghị Chính phủ xem xét chưa áp dụng đề xuất trên bởi bản chất thuế giá trị là thuế gián thu có tính trung lập, tính kinh tế cao thể hiện ở 2 khía cạnh.

Cụ thể là thuế giá trị gia tăng không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế nên thuế giá trị gia tăng không phải là yếu tố của chi phí sản xuất, đơn thuần là khoản thu được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp dịch vụ; thuế giá trị gia tăng không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất kinh doanh.

Theo quy định của Luật, giá phân bón thuộc danh mục bình ổn giá. Do đó, cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hào lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ với người tiêu dùng.

Theo đại biểu Khang Thị Mào, qua việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi muốn ưu đãi đối với lĩnh vực nào đó sẽ có 2 phương án gồm đưa vào diện không chịu thuế hoặc áp dụng thuế 0%. Trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng, đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón.

Sớm mở cửa thị trường Trung Quốc cho sầu riêng đông lạnh, dừa tươi của Việt Nam

Sớm mở cửa thị trường Trung Quốc cho sầu riêng đông lạnh, dừa tươi của Việt Nam

Chiều 24/6, tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Đại Liên (Hội nghị WEF Đại Liên) và làm việc tại Trung Quốc.
Xem xét phương án huy động vốn mới cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Xem xét phương án huy động vốn mới cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Để đảm bảo tính khả thi về huy động vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước cho Dự án theo phương thức PPP.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.