Khơi thông những nguồn lực đang tắc nghẽn

The LEADER Hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực tắc nghẽn bằng cải cách thể chế, thủ tục hành chính là chìa khóa để Việt Nam biến nguy thành cơ trong bối cảnh khó khăn hiện tại.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam đối diện với thách thức lớn trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, một mặt nỗ lực hội nhập, mặt khác phải cố gắng tái cấu trúc bên trong nền kinh tế, đảm bảo các nền tảng cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng tạo tiền đề cho nhiều cơ hội, đặc biệt là những cơ hội tự tạo ra, tự nắm bắt, lấy đó làm lợi thế để tiến nhanh hơn trên con đường phát triển bền vững.

“Thế giới phẳng, các quốc gia có thể tiếp cận như nhau, nên ai thông minh hơn, nhận diện tốt hơn, chuyển hóa và hấp thu tốt hơn thì sẽ tiến nhanh hơn. Cơ hội đôi khi do chính mình tạo ra và nắm lấy, có như vậy mới có những quyết sách kịp thời”, bộ trưởng nhấn mạnh.

Để kiến tạo và nắm bắt cơ hội, nhiệm vụ quan trọng nhất là cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ. 

Cải cách không chỉ dừng lại ở một chủ trương, nghị quyết mà cần phải có kết quả được đo đếm trong thực tiễn, bằng những chỉ tiêu cụ thể như rút ngắn bao nhiêu thủ tục hành chính, giảm được bao nhiêu thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cải cách thủ tục hành chính giúp khơi thông các nguồn lực đầu tư còn đang tắc nghẽn, từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, các hoạt động đầu tư thông thoáng cũng là tiền đề để dòng tiền chảy vào nền kinh tế, vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thay vì người dân đổ xô đi mua vàng như hiện tại.

Trao đổi với báo chí, bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập một ban chỉ đạo nhà nước về cải cách, do đích thân Thủ tướng giữ vai trò trưởng ban. 

Đây là điều hết sức cần thiết bởi cải cách thủ tục hành chính không chỉ dừng lại ở một bộ, ngành mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, một nhiệm vụ không kém phần cấp thiết là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. 

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, dù các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi nhưng áp lực, thách thức, cạnh tranh tiếp tục gia tăng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ trưởng đánh giá, doanh nghiệp hiện nay thậm chí còn không đủ sức để lớn chứ chưa nói đến câu chuyện tham gia vào chuỗi giá trị, kết nối, giao thương, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.

Đây là điểm yếu cố hữu chứ không phải mang tính thời điểm. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích khu vực FDI kết nối, giao thương với doanh nghiệp nội nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi bởi đại đa số doanh nghiệp nội vẫn chưa đủ “trình” để “chơi” với ông lớn nước ngoài.

Câu chuyện này chỉ ra một thực trạng là thay vì hô hào, khuyến khích, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ thực chất từ phía Nhà nước thông qua những công cụ chính sách. 

Bởi lẽ, không có hỗ trợ, doanh nghiệp khó có thể mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh với mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng của nước ngoài.

Hệ quả là một vòng lặp “con gà quả trứng”, doanh nghiệp nội e dè, doanh nghiệp nước ngoài cũng không chủ động kết nối hợp tác nếu doanh nghiệp nội không chịu phát triển.

Song song với câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp, bộ trưởng đề cập đến vấn đề về thể chế. Theo ông, hiện có rất nhiều dự án với số vốn khổng lồ đang tắc, tồn đọng cả chục năm nay. Đây là nguồn lực lớn, không thể để lãng phí trong bối cảnh Việt Nam rất cần nguồn lực phục vụ phục hồi và tăng trưởng.

Hiện nay, Việt Nam đang có một số chính sách đúng đắn để giải phóng các nguồn lực bằng thể chế, có thể kể đến như Bộ Chính trị cho phép một số địa phương được rà soát, tháo gỡ các dự án khó khăn hay 11 địa phương được áp dụng chính sách đặc thù.

Bộ trưởng cho rằng, cần phải nhanh chóng mở rộng những chủ trương đúng đắn để giúp nền kinh tế giải quyết khó khăn trước mắt, hướng đến phát triển lâu dài.

Trao đổi với báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Để làm được điều này, vai trò của các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… là rất quan trọng. Bộ trưởng mong muốn báo giới có thể tìm hiểu sâu hơn, truyền tải nhiều hơn nội dung về các mô hình kinh tế mới để góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Giữ vững niềm tin và khát vọng

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.