Quảng cáo, kinh doanh dược phẩm tràn lan, chộp giật, gây hiểu nhầm hoặc cố tình lừa đảo người tiêu dùng là những vấn đề nhức nhối cần có biện pháp giải quyết dứt điểm khi sửa đổi, bổ sung Luật Dược.
Là bác sĩ kiêm chính khách nổi tiếng, có uy tín và tầm ảnh hưởng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) không ít lần gặp rắc rối bởi chính danh tiếng của mình.
Ông Hiếu cho biết, không có ngày nào là không nhận được điện thoại hỏi “thuốc này có phải do anh quảng cáo hay không”? Bởi lẽ, một số đơn vị lợi dụng hình ảnh của vị bác sĩ này để lồng ghép các hình ảnh quảng cáo dược phẩm, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu lên một tình huống khác khi quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng “không khác gì quảng cáo thức ăn gia súc”. Cụ thể, nhiều quảng cáo sử dụng một công thức chung là một người bị bệnh được người khác giới thiệu rằng “thuốc này tốt lắm”, sau đó mua và sử dụng.
“Tôi cảm giác không khác gì quảng cáo thức ăn gia súc và phân bón vì người này mách người kia là dùng tốt lắm”, bà Nga nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bên cạnh đó, các loại dược phẩm hiện nay còn được bày bán rất phổ biến trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang), điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi rất khó phát hiện và xử lý các vi phạm về hàng giả trên không gian mạng.
Thực tế, không khó để nhận ra thực trạng phân phối và quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng một cách tràn lan, hỗn loạn hiện nay.
Bên cạnh những vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận tổ, báo chí và các cơ quan chức năng cũng không ít lần phanh phui những vụ việc như bán thực phẩm chức năng nhưng tự nhận là thuốc đặc trị, cho nhân viên kinh doanh không có trình độ học vấn nhưng tự xưng là bác sĩ khi tư vấn cho người bệnh.
Tất cả những hành vi đó có thể nói là vô nhân đạo bởi tấn công trực tiếp vào các bệnh nhân, nhiều trường hợp là người cao tuổi, đang hoang mang, thậm chí là tuyệt vọng về tình trạng sức khỏe. Hệ quả, các đơn vị kinh doanh bất nhân kiếm hàng tỷ bạc, còn người bệnh “tiền mất tật mang”.
Nói về trách nhiệm trong việc quảng cáo thuốc, theo ông Hiếu, công tác quảng cáo chịu sự quản lý của nhiều cơ quan ban ngành, tuy nhiên riêng đối với dược phẩm, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế.
Cụ thể, ông Hiếu đề xuất cần ghi rõ trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược là Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng điều tra và cho người dân để biết và phòng tránh.
Còn theo bà Nga, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cách làm đúng để giảm tải thủ tục hành chính nhưng chưa nên áp dụng cho quảng cáo và kinh doanh thuốc. Bà Nga đề nghị, cần giữ nguyên quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước trong thông tin và quảng cáo thuốc khi sửa đổi Luật Dược.
Về phía đoàn Tiền Giang, ông Dương nhấn mạnh cần có quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh thuốc trên các kênh thương mại điện tử, trên tinh thần bán thuốc đúng người, đúng bệnh, giúp người dân tiếp cận dược phẩm một cách dễ dàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Ông Dương cũng đề xuất, dù là kênh thương mại điện tử thì đơn vị muốn phân phối thuốc vẫn phải có đủ điều kiện kinh doanh mới được phép bán và chỉ được bán các loại thuốc thuộc danh mục không cần phải kê đơn.
Hoàng Đông