Xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí

Sáng 14/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, chuyên gia, nhà khoa học.
Toàn cảnh cuộc họp về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì
Toàn cảnh cuộc họp về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì sáng 14/5  - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Cơ chế mua bán điện trực tiếp là nền tảng tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng lớn trong lĩnh vực năng lượng, điện lực, nhưng việc triển khai còn chậm, trong đó có định hướng phát triển thị trường điện cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân là hành lang pháp lý chưa đồng bộ, điều kiện tổ chức, mô hình thực hiện còn mang tính đặc thù.

Thời gian qua, các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đã phát huy vai trò chủ đạo trong bảo đảm cân đối nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, các thành phần kinh tế khác cũng rất khó tham gia.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được xác định trong Luật Điện lực, là nền tảng tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Theo đó, công tác quản lý nhà nước tách bạch với hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền tải, phân phối điện.

"Nhà nước chỉ nắm giữ, đầu tư những lĩnh vực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, còn lại các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần tính toán lộ trình cụ thể, khả thi cho chính sách phát triển điện lực nói chung, cơ chế mua bán điện trực tiếp nói riêng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp  - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị định cần làm rõ đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tham gia mua bán điện trực tiếp về lợi ích kinh tế, bảo đảm an toàn lưới điện; chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để nhận được tín chỉ xanh;…

Xây dựng nghị định bảo đảm khả thi, thực hiện được ngay, hạn chế văn bản hướng dẫn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự thảo Nghị định quy định mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia; trình tự thực hiện, trách nhiệm các đơn vị có liên quan… Quan điểm xây dựng nghị định là bảo đảm khả thi, thực hiện được ngay, hạn chế văn bản hướng dẫn.

Theo đó, mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng áp dụng cho các khách hàng ở gần nguồn phát và thực hiện mua bán điện không sử dụng lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Việc mua bán điện trong trường hợp này được thực hiện đơn giản, giá điện được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng. Hiện hình thức mua bán điện trực tiếp này đã và đang được triển khai tại các khu công nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết quan điểm xây dựng nghị định là bảo đảm khả thi, thực hiện được ngay, hạn chế văn bản hướng dẫn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết quan điểm xây dựng nghị định là bảo đảm khả thi, thực hiện được ngay, hạn chế văn bản hướng dẫn  - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia áp dụng cho các khách hàng ở xa nguồn phát thực hiện mua điện qua thị trường điện giao ngay. Theo đó, khách hàng có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ (bao gồm: giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) và các chi phí thanh toán khác.

Đơn vị phát điện phải là năng lượng tái tạo mới được phép bán điện trực tiếp cho khách hàng.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ chế DPPA sẽ đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua

Các ý kiến tại cuộc họp tiếp tục làm rõ quy định chi tiết đối với tiêu chí xác định phạm vi, đối tượng tham gia cơ chế DPPA theo công suất phát, sản lượng tiêu thụ, điện áp truyền tải; làm rõ nội hàm, định nghĩa các khái niệm, như khách hàng lớn, mua bán trực tiếp; mối quan hệ giữa các đơn vị phát điện, khách hàng tiêu thụ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); trình tự, thủ tục xác định mức độ tiêu thụ và cấp tín chỉ xanh đối với doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo…

Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An cho rằng hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua. Các bên tham gia sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho EVN trong bảo đảm an toàn lưới điện, vận hành, truyền tải…

Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An
Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An  - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Ông Chu Văn Tiến - Trưởng Ban Tư vấn kỹ thuật, Hội Điện lực Việt Nam kiến nghị quản lý chặt chẽ phương thức mua bán điện trực tiếp bằng đường dây riêng, tránh tình trạng phát triển tràn lan, chiếm dụng đất đai, phá vỡ quy hoạch.

Đại diện hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài mong muốn Nghị định sớm được ban hành, với những cơ chế, chính sách được cụ thể hoá trong nghị định cần kết nối với Quy hoạch điện VIII về phát triển năng lượng tái tạo; bỏ giới hạn tiêu thụ điện đối với khách hàng mua điện trực tiếp truyền tải bằng đường dây riêng; làm rõ các chi phí mua bán điện trực tiếp truyền tải qua lưới điện quốc gia…

Tính đúng, tính đủ các chi phí

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Nghị định chỉ tập trung vào đối tượng sản xuất, khách hàng tiêu dùng điện tái tạo (doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại, đơn vị bán lẻ điện trong khu công nghiệp…).

Đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, hoặc đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện, Phó Thủ tướng gợi mở hướng không quy định về giới hạn quy mô công suất, không phụ thuộc vào quy hoạch, được quản lý theo các quy định pháp luật về thuế, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn xây dựng…

Hình thức mua bán điện trực tiếp sử dụng lưới điện quốc gia phải được tính đúng, tính đủ các chi phí sử dụng hạ tầng vận hành, truyền tải, bảo đảm an toàn hệ thống, phù hợp với các quy hoạch điện lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN tính toán, công bố công suất điện tái tạo có thể huy động, truyền tải trên công suất nguồn điện nền, làm căn cứ để điều chỉnh giảm các nguồn điện than, điện khí trong quy hoạch.

"Quy hoạch điện VIII không giới hạn năng lượng tái tạo khi thay thế và đáp ứng được tiêu chí kỹ thuật thay thế cho những nguồn năng lượng khác, giá thành phù hợp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Nghị định cần quy định quy trình minh bạch, công khai về hiện trạng các nguồn điện mà các doanh nghiệp đang sử dụng để cơ quan Nhà nước quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện cung cấp tín chỉ xanh.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về nội dung liên quan mua bán trực tiếp đối với điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp; nguồn điện tái tạo có thiết bị, pin lưu trữ điện; đánh giá tác động đối với giá thành, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sử dụng nguồn điện tái tạo đối với khả năng chi trả của người dân…

Tin liên quan

Bắc Giang: Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP. Bắc Giang

Bắc Giang: Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP. Bắc Giang

HĐND tỉnh Bắc Giang vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, trong đó nhập huyện Yên Dũng với TP. Bắc Giang; đầu tư phát triển thị xã Việt Yên trở thành thành phố; tiếp tục đầu tư, phát triển huyện Hiệp Hòa, huyện Lạng Giang đạt các tiêu chí đô thị loại IV để thành lập thị xã Hiệp Hòa, thị xã Lạng Giang...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.