Theo phản ánh của cử tri tại nhiều địa phương với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước thềm Kỳ họp thứ 8, tình trạng thiếu thuốc, vật tư đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Vẫn thiếu thuốc cục bộ
Tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Nam, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, cử tri phản ánh tình trạng thiếu một số thuốc, hóa chất xét nghiệm thuộc danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, dẫn đến người bệnh phải mua thuốc bên ngoài, hoặc xét nghiệm ở các bệnh viện tư nhân nhưng không được BHYT chi trả.
Theo cử tri tại các tỉnh Nam Định, Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên…, từ sau đại dịch Covid-19, một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) phòng các bệnh truyền nhiễm bị thiếu hụt, khiến nhiều trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng phải trì hoãn tiêm hoặc chuyển sang tiêm dịch vụ (phải trả phí).
Cho dù Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ đầu năm nay, Nghị định hướng dẫn cũng đã được Chính phủ ban hành, Bộ Y tế cũng đã có 5 Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc - vật tư và trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, một số cơ sở y tế vẫn chưa triển khai được gói thầu hoặc là một số loại thuốc không đấu thầu được dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục chờ đợi thuốc.
Theo phản ánh của một số bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội, các BV hiện nay còn gặp khó khăn trong xây dựng giá kế hoạch và thẩm định giá trong quá trình đấu thầu mua sắm vì hiện rất khó xác định được giá thật của các sản phẩm. “Thí dụ một máy CT hoặc MRI bị đứt cái bóng phát tia, đây lại là thiết bị chuyên sâu và đắt tiền. Nhưng nếu không có cơ chế một báo giá, không có cơ chế xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với sản phẩm hiện có thì hầu như BV không thực hiện được công tác đấu thầu”, lãnh đạo một BV lớn tại Hà Nội phản ánh.
Lãnh đạo một BV hạng 2 tại Hà Nội cũng chia sẻ, sau khi triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế theo quy định mới, đã có nhiều thuận lợi, tuy nhiên vẫn còn gặp những khó khăn nhất định dẫn đến một số thuốc, vật tư y tế chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh. “So với giai đoạn trước, hướng dẫn về việc đấu thầu, mua sắm đã dễ dàng thực hiện hơn. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn phải thực hiện qua các bước theo quy định nên vẫn cần có thời gian. Vì vậy việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế hiện vẫn chưa đạt được so với kỳ vọng của các bệnh viện và người bệnh, một số danh mục thuốc, vật tư y tế vẫn chưa hoàn thành việc mua sắm”, vị này thông tin.
Phản hồi các kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, quy định của pháp luật về đấu thầu đối với mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ. Đồng thời, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp khác như đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành; huy động các nguồn viện trợ một số vaccine, loại thuốc rất hiếm; tập huấn, hướng dẫn cán bộ y tế tại các cơ sở và địa phương về quy trình đấu thầu, mua sắm vật tư y tế… Về cơ bản, nguồn cung ứng thuốc, vật tư, thiết bị y tế bảo đảm cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh và ngoài thị trường bán lẻ. Riêng về vaccine TCMR, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, Bộ đã hoàn thành thủ tục mua 10 loại vaccine sản xuất trong nước và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 21/25,5 triệu liều vaccine TCMR từ nguồn thu mua và viện trợ, phân bổ theo kế hoạch cho các địa phương.
Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế vẫn xảy ra cục bộ, theo bà Đào Hồng Lan, là do một số nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 và xung đột tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng Albumin, Globulin… Một phần nữa đến từ nguyên nhân chủ quan, các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo bảo đảm cung ứng thuốc như: thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm… Mặt khác, việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm như thuốc chống độc, giải độc (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn… là do không xác định được nhu cầu, vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng…
|
Các bệnh viện bảo đảm trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Ảnh: AN NHƯ
|
Vận dụng chính sách linh hoạt
Việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện được tổ chức theo ba hình thức: Đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thầu địa phương, các cơ sở y tế tự đấu thầu. Ngoài ra, với thuốc biệt được, thuốc hiếm thì Bộ Y tế sẽ thực hiện đàm phán giá. Tuy nhiên, điều mà các lãnh đạo BV và các cơ sở y tế lo ngại chính là việc xây dựng giá kế hoạch và thẩm định giá trong quá trình đấu thầu mua sắm. Bởi vì rất khó xác định được giá thật của các sản phẩm, đặc biệt là các hóa chất và trang thiết bị y tế chuyên sâu.
Hiện nay, Bộ Y tế đã hướng dẫn về 6 cách thức để xác định giá gói thầu nhưng việc áp dụng các quy định về đấu thầu tại một số chủ đầu tư, BV vẫn còn bỡ ngỡ, có những gói thầu trong quá trình đấu thầu không lựa chọn được nhà thầu do những quy định không phù hợp trong hồ sơ mời thầu dẫn đến phải hủy thầu.
Về vấn đề này, ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay, toàn bộ kết quả lựa chọn nhà thầu của tất cả các chủ đầu tư trên phạm vi toàn quốc đều được công khai rất chi tiết trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Chúng tôi đã cùng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) có những hướng dẫn cụ thể để các chủ đầu tư có thể truy cập vào mạng đấu thầu quốc gia, chức năng tìm kiếm rất dễ dàng để tra cứu thông tin về gói trúng thầu trên phạm vi toàn quốc để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu”.
Bảo đảm triển khai các gói thầu và cung ứng thuốc cho người dân, các BV đã có những cách làm khác nhau như vận dụng chính sách thấu đáo hay thành lập trung tâm đấu thầu riêng. Bước đầu đã có những kết quả tích cực từ cách làm sáng tạo này.
Thí dụ, BV đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành xong gần 400 gói thầu trị giá gần 5 nghìn tỷ đồng. Để triển khai hơn 400 gói thầu, BV đã thành lập đơn vị quản lý đấu thầu với hơn 10 nhân viên bao gồm 5 người là cử nhân luật, số còn lại là cử nhân kinh tế và tài chính. Đơn vị quản lý đấu thầu đã hỗ trợ tích cực cho tất cả các bộ phận để làm sao xây dựng được yêu cầu kỹ thuật đúng luật, bảo đảm yêu cầu của BV, xây dựng giá hợp lý để bảo đảm việc mua sắm hiệu quả và đúng về mặt pháp lý.
Đến thời điểm này, BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai xong 3 gói thầu trực tiếp và đang triển khai 2 gói thầu qua mạng trị giá khoảng 150 tỷ đồng. Được biết, trước khi có nghị định và thông tư hướng dẫn, BV đã vận dụng điều khoản chỉ định thầu rút gọn và trực tiếp, điều này đã giúp BV luôn bảo đảm thuốc cho người bệnh.
Như vậy, nếu các cơ sở y tế đều hiểu và vận dụng linh hoạt, hiệu quả các văn bản từ việc xây dựng kế hoạch đến triển khai đấu thầu sẽ không còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
“Nếu chúng ta có bộ máy tổ chức lựa chọn nhà thầu chuyên nghiệp sẽ mang lại kết quả khả quan, bảo đảm tính chuẩn mực thực hiện quy trình, thủ tục. Các bác sĩ sẽ tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đưa ra các yêu cầu kỹ thuật về thuốc và các thiết bị cần mua. Bộ phận mua sắm sẽ tổng hợp mua sắm theo đúng quy định và đáp ứng nhu cầu sử dụng của BV”, ông Hoàng Cương nhận định.
Ông Cương cũng cho biết thêm, trong luật đã có cơ chế, nếu cơ sở không đủ khả năng mua thì có thể đề nghị Sở Y tế tổ chức đấu thầu hộ các BV. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện một số tính năng, hình thức mua sắm mới, hiện đại trên hệ thống đấu thầu quốc gia như hình thức mua sắm trực tuyến, chào giá trực tuyến. Với hình thức chào giá trực tuyến, các BV có thể mua ngay được thuốc, vật tư với giá 300 triệu đồng/gói thầu cũng đáp ứng được nhu cầu của BV. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư e dè về trách nhiệm giải trình, nhưng các chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu công khai minh bạch, lập hồ sơ mời thầu theo đúng quy định, đánh giá hồ sơ mời thầu theo đúng quy định, hướng dẫn thì điều đó cũng bảo đảm được tính giải trình của chủ đầu tư.
Bộ Y tế đang xây dựng Sổ tay hướng dẫn về quy trình, thủ tục đấu thầu thuốc, thiết bị y tế theo hướng cầm tay, chỉ việc để các BV tham khảo, áp dụng theo tinh thần, vướng đến đâu, gỡ đến đó để giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
MINH TÂM