PGS.TS Trần Đình Thiên: Phải sớm bơm tiền ra nền kinh tế ngay lúc này

Trước bối cảnh cả nền kinh tế như "nghẹt thở" vì tắc nghẽn dòng vốn, các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Chính phủ cần sớm có giải pháp bơm vốn để giúp nền kinh tế phục hồi.
PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên

Ba nghịch lý của kinh tế Việt Nam

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế trong năm tới vẫn theo xu hướng chung, tiếp tục ảm đạm.

Nguyên nhân được ông Thiên chỉ ra trước hết là do ảnh hưởng từ bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Hiện thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn nên thậm chí sẽ còn khó khăn hơn tình hình chung của thế giới.

Theo đó, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với 3 "cơn gió nghịch chiều" từ tình hình thế giới. Thứ nhất là lạm phát đang tăng và chưa có xu hướng dừng lại. Trước bối cảnh đó, Mỹ vẫn tiếp tục phải chống lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Thứ hai là điều kiện tài chính xấu đi theo tốc độ tăng của tỷ giá, lãi suất dự kiến sẽ còn tăng cao khiến giá vốn tăng nhanh. Thứ 3 là tăng trưởng thế giới suy giảm, kéo theo xuất khẩu của Việt Nam suy giảm.

Trong khi Việt Nam định hướng là một nước xuất khẩu, việc suy giảm của thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất trong nước, lợi nhuận doanh nghiệp. Đáng chú ý hơn cả là hiện nay chỉ số PMI (Quản lý sức mua) đã bắt đầu suy giảm khiến các đơn hàng xuất khẩu giảm, điều này rất đáng lo ngại.

Ở trong nước, ông Thiên chỉ ra rằng, đằng sau con số tăng trưởng kinh tế 8,8%, lạm phát dưới 4% vẫn còn nhiều bất cập.

"Đặc trưng điển hình nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là tồn tại những nghịch lý khó lý giải. Theo đó, ba nghịch lý rất lớn là lạm phát thấp, nhưng tăng trưởng lại cao, vậy câu hỏi đặt ra là tiền ở đâu để duy trì con số tăng trưởng cao đó. Thứ hai, tăng trưởng kinh tế cao nhưng thị trường chứng khoán lao dốc. Thứ ba, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng các doanh nghiệp lại đang hết sức khó khăn", ông Thiên phân tích.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, sau nửa đầu năm 2022, tăng trưởng khá tốt thì càng về cuối năm, càng nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế như đang "nghẹt thở", "tắc nghẽn". Dòng vốn giống như "máu của nền kinh tế", không được lưu thông đẩy các doanh nghiệp vào khó khăn rất lớn. Đặc biệt là các doanh nghiệp cần sử dụng nguồn vốn lớn như bất động sản.

Việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu bất động sản và lãi suất tăng cao đã khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, không có thanh khoản, doanh nghiệp không có dòng tiền để triển khai dự án và tiếp tục duy trì hoạt động.

Tại Diễn đàn "Dự báo thị trường bất động sản 2023", ông Thiên cho rằng, hệ quả kéo theo của thực trạng này là nguy cơ khủng hoảng lòng tin rất lớn trên thị trường của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong khi đó, bất động sản là kênh có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế. Mặc dù chỉ đóng góp 5% trong GDP nhưng đây là lĩnh vực có khả năng lan toả rất lớn tới các ngành nghề các và tác động mạnh mẽ lên thị trường tài chính.

Nếu không sớm có giải pháp khơi thông dòng vốn trên thị trường, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, những tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế chung sẽ là rất quan ngại.

Sớm "bơm máu" cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn rất lớn của doanh nghiệp, ông Thiên cho rằng, Chính phủ cần có thái độ đúng đắn với lạm phát và ổn định vĩ mô. Rủi ro gia tăng lạm phát, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô là điều không thể tránh khỏi do chịu ảnh hưởng từ thế giới. Nhưng nền kinh tế không nên "quá sợ lạm phát" mà để tuột mất các cơ hội tăng trưởng.

Quan trọng hơn, kiểm soát lạm phát phải đi cùng với các mục tiêu khác của tăng trưởng và hoạt động doanh nghiệp vẫn phải giữ được ổn định. "Kiểm soát lạm phát nhưng doanh nghiệp phải "sống được" một cách bình yên chứ không phải lạm phát thấp nhưng để doanh nghiệp" chết". Đây là điều rất nguy hiểm.

Nếu chỉ kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu khiến các chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt, không có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, họ sẽ không thể đứng dậy, cả nền kinh tế cũng không thể phát triển vượt qua khủng hoảng", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bơm vốn cũng là cách có thể giúp giảm nợ xấu, ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, rất nhiều dự án đang mắc kẹt, không có tiền để tiếp tục triển khai, hoàn thiện, dẫn tới không đủ điều kiện vay ngân hàng. Do đó, khi có dòng tiền sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn nêu trên, từ đó giảm bớt được nợ xấu.

Với tình hình hiện nay, theo ông Thiên, room tín dụng hoàn toàn có thể nới thêm 1,5 - 2% nữa để "bơm" thêm nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Sang năm 2023, tình hình kinh tế dự báo sẽ còn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, chính vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp để hỡ trợ doanh nghiệp sớm, kịp thời.

Mặt khác, các biện pháp hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho doanh nghiệp cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chính phủ không nên sợ lạm phát mà thắt chặt việc tiếp cận dòng vốn, bởi lúc này doanh nghiệp đang rất yếu và cần tiền để quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần có giải pháp làm sao để cung cấp đủ tài chính cho nền kinh tế.

Vị chuyên gia này cho rằng, chương trình phục hồi tăng trưởng phải tích cực bơm tiền ra nền kinh tế ngay lúc này. Nếu chậm trễ, doanh nghiệp “chết” sẽ không còn cơ hội để phục hồi.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần những giải pháp mạnh cho kinh tế giống như thời điểm chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực y tế. "Chính phủ cần có những giải pháp tùy biến, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thay vì theo quy trình để giải quyết các vấn đề cấp bách của nền kinh tế thời điểm hiện tại", ông Thiên nhấn mạnh.

Tin liên quan

Quan tâm việc dạy thêm, học thêm

Quan tâm việc dạy thêm, học thêm

Lâu nay, việc học thêm luôn luôn là nhu cầu chính đáng của học sinh. Bởi thế, việc đáp ứng nhu cầu ấy luôn là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Chờ phương án thi vào lớp 10

Chờ phương án thi vào lớp 10

Năm học 2024-2025 là năm Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến 12. Đây cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và vào lớp 10 theo chương trình mới. Các thầy cô, phụ huynh và học sinh đều mong ngành giáo dục sớm công bố định hướng thi cử để học sinh kịp thời ôn luyện.
Cơ chế thu hút, trọng dụng người tài

Cơ chế thu hút, trọng dụng người tài

Theo một số liệu thống kê, sau 50 năm với 48 lần tham dự Olympic toán quốc tế, học sinh Việt Nam giành 271 huy chương, trong đó có 10 học sinh xuất sắc đạt điểm tuyệt đối, 10 học sinh giành 2 Huy chương vàng.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.