Nếu thuế tăng sốc thì thuốc lá lậu cũng tăng theo, lúc đó các mục tiêu của Chính phủ về giảm thiểu tỉ lệ hút thuốc và tăng thu ngân sách sẽ không được đảm bảo.
Đó là nhận định của các chuyên gia khi đề cập đến vấn đề thiết kế chính sách thuế tiêu thụ (TTĐB) đặc biệt đối với thuốc lá.
Quá trình tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam
Hệ thống tính thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá điếu đã được xây dựng và có lộ trình từ 2006 đến nay (từ 55% lên 75% với mức tăng 5%/lần và thời gian giãn cách giữa các lần điều chỉnh tăng là 3-4 năm/lần).
Cụ thể, năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% dẫn đến số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao vào năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao trong năm 2017.
Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao trong năm 2019 lên hơn 5.1 triệu bao vào năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao ở năm 2021.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tăng thuế thuốc lá không làm tăng buôn lậu vì số lượng thuốc lá nhập lậu bị tiêu hủy giảm từ khoảng 6,4 triệu bao (năm 2018) xuống gần 1,4 triệu bao (năm 2019) mặc dù thời điểm này không có sự tăng thuế.
Giải thích về con số này, các chuyên gia cho biết, thời điểm giữa năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để xuất khẩu theo Quyết định 20/2018/QĐ-TTg . Đó là lý do số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2019 bị trũng xuống, chứ không phải là tình hình buôn thuốc lá lậu giảm trong giai đoạn này. Đến giữa năm 2020 thì dừng việc thí điểm này nên cuối năm 2020 số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng lại lên 5,1 triệu bao.
Ngoài ra cũng có nhận định thuốc lá ngoại được buôn lậu vào Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu. Vì vậy, dù cho thuế TTĐB có tăng hay giảm thì buôn lậu vẫn cứ xảy ra vì mục đích chính là nhằm trốn thuế nhập khẩu. Các chuyên gia cho rằng nhận định này chưa đầy đủ vì thuốc lá lậu có thể tránh cả 2 loại thuế chính yếu là thuế nhập khẩu và thuế TTĐB, nên khi thuế TTĐB tăng sẽ tác động trực tiếp lên thuốc lá hợp pháp trong khi thuốc lá lậu không bị ảnh hưởng, dẫn đến việc giảm sản lượng hợp pháp và tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để thuốc lá lậu chen vào.
Tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá” do Hội Tư vấn Thuế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 16/7/2024, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam cho biết: “Việt Nam trải qua rất nhiều cuộc cải cách thuế và đặc biệt thuế TTĐB ở thuốc lá. Tuy nhiên mức tăng thuế của chúng ta không tăng nhanh như đề xuất lần này của dự thảo”. Điều này phần nào giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực tới ngành thuốc lá hợp pháp trong thời gian qua, phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước hơn 100.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2019-2023, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, và đặc biệt không tạo ra cú sốc tăng giá thuốc lá hợp pháp một cách đột ngột, hạn chế người tiêu dùng chuyển sang dùng thuốc lá nhập lậu có giá rẻ hơn từ đó kìm hãm sự gia tăng của thuốc lá nhập lậu.
Tuy nhiên, lãnh đạo của PwC Việt Nam nhận định rằng, nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh theo 2 phương án của Bộ Tài chính, sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Theo đó, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030, thất thu từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với mức 5-6 nghìn tỷ đồng hiện tại.
Đồng thời, tại Hội thảo, mô hình phân tích của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cũng đưa ra kịch bản tương tự với PwC, khi ThS Tô Kim Huệ đại diện của Viện cho rằng sản lượng hợp pháp giảm mạnh, thuốc lá lậu lại tăng lên nhanh chóng khi điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá theo đề xuất hiện nay.
Cụ thể, ở cả 2 phương án tăng thuế của Bộ Tài chính, sản lượng thuốc lá hợp pháp đều giảm mạnh vào năm 2030: thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế.
Ngược lại, lượng thuốc lá lậu sẽ tăng mạnh ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng 205% ở phương án 1 (khoảng 22 tỷ điếu) và tăng 230% ở phương án 2 (tương đương 24 tỷ điếu) so với 2025.
Tránh hệ lụy khi tăng thuế thuốc lá
Cũng tại Hội thảo, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lí Thị trường (Bộ Công thương) cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2019-2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.
Nói rõ về cơ sở khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá ở thị trường Việt Nam gia tăng đột biến trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh yếu tố khách quan như vùng biên giới rộng, các quốc gia lân cận không có chính sách phòng, chống thuốc lá lậu kiên quyết như Việt Nam, thì lợi nhuận buôn lậu thuốc lá là rất lớn, lớn hơn cái giá mà người buôn lậu phải trả nếu như bị phát hiện và xử phạt.
Đồng tình với ý kiến đó, ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), cũng đưa ra bức tranh cụ thể hơn về sản lượng thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn ra song hành với thuốc lá hợp pháp một cách phức tạp, tinh vi tại nội địa. Thuốc lá lậu ước lượng chiếm 13% - 15% tổng sản lượng toàn Việt Nam (tương đương 4,8 - 5 tỷ bao).
Nhìn rộng ra trên thế giới cũng có nhiều bài học kinh nghiệm cho thấy việc tăng thuế cao và đột ngột đã làm trầm trọng thêm vấn đề buôn lậu thuốc lá vốn đã phức tạp và tạo ra các hiệu ứng dây chuyền tiêu cực trên thị trường thuốc lá.
Điển hình như Malaysia sau khi tăng thuế vào giai đoạn 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55% chỉ sau 5 năm, thuốc lá lậu chiếm 65% thị phần vào năm 2020, gây thất thoát 5,1 tỷ RM tiền thuế, thu ngân sách sau tăng thuế giảm so với thời điểm trước tăng thuế trong khi đó tổng lượng tiêu thụ thuốc lá lại tăng 5% sau khi tăng thuế và 3 nhà sản xuất thuốc lá lớn đã đóng cửa các nhà máy tại quốc gia này.
Hay tại Đức, trong giai đoạn 2002-2005 khi thuế tuyệt đối tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%, người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34%, và ngân sách Nhà nước bị trì trệ. Còn tại Vương quốc Anh vào năm 2011, quốc gia này đã tăng 30% thuế tuyệt đối dẫn đến thuốc lá lậu tăng và chiếm khoảng 20% thị trường vào năm 2016, gây thất thu thuế khoảng 2,5 tỷ bảng Anh.
Có phải chăng, cơ quan quản lý Nhà nước nên tham khảo những bài học quốc tế và các phân tích, mô hình hiện tại để việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá nên được thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải, và kế hoạch tăng thuế TTĐB cần có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn.