Dù là những đối tác truyền thống lâu đời của Việt Nam, nhưng kể từ khi EVFTA có hiệu lực quan hệ kinh tế song phương giữa nước ta với Cộng hòa Séc, Hà Lan và những nước thành viên khác trong khối EU được nâng lên một tầm cao mới.
Chuỗi giá trị mới sẽ được hình thành giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc!
Cộng hòa Séc là một trong những đối tác truyền thống lâu đời của Việt Nam, vì thế mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước đã được thiết lập từ trước khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, EVFTA sẽ mang lại cơ hội lớn để Việt Nam và Cộng hòa Séc mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại song phương. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp của Cộng hòa Séc, với tư cách là một thành viên của EU, tận dụng tốt hơn cơ hội giao thương, hợp tác với Việt Nam.
Kể từ khi trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1993, Cộng hòa Séc kế thừa các mối quan hệ của Tiệp Khắc với Việt Nam (được thiết lập từ năm 1950), đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Ngay trong năm đầu tiên, nhà nước Cộng hòa Séc non trẻ đã triển khai hoạt động trao đổi thương mại với Việt Nam.
Theo thống kê, mức độ thương mại song phương trong năm 2018 và 2019 giữa đã tăng lên rất nhiều về tổng giá trị. Năm 2018 Việt Nam xuất khẩu sang Cộng hòa Séc lượng hàng trị giá 1.033.597,69 USD và nhập khẩu từ Cộng hòa Séc lượng hàng trị giá 140.917,48 USD.
Con số tương tự của năm 2019 là Cộng hòa Séc nhập khẩu lượng hàng trị giá 1.166.064,92 USD, trong khi đó xuất khẩu lượng hàng trị giá 72.890,36 USD sang Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vào thị trường Cộng hòa Séc trước khi EVFTA có hiệu lực.
Có thể nói tổng giá trị hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và Séc đã có sự thay đổi lớn qua các năm, cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam - Cộng hòa Séc.
Đáng chú ý là nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao từ Cộng hòa Séc và các nước EU sẽ giúp nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Hơn nữa, khi hàng hóa, dịch vụ từ Cộng hòa Séc và các nước thành viên EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.
Với EVFTA, chuỗi giá trị mới của Việt Nam với Cộng hòa Séc và các đối tác trong tổ chức EU sẽ được hình thành, ngày càng nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.
Những dấu hiệu tích cực từ thị trường là cửa ngõ giao thương của EU
Quan hệ Việt Nam - Hà Lan là một mối quan hệ lâu đời và ngày càng phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Hà Lan đã bắt đầu viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam ở các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục, đào tạo và y tế.
Năm 2010 đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước khi hai bên trở thành đối tác chiến lược của nhau, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics.
Thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan phát triển nhanh và ổn định. Hà Lan là một đối tác quan trọng của Việt Nam không chỉ bởi đây là thị trường xuất khẩu lớn của châu Âu, mà còn bởi vì vị trí địa chiến lược quan trọng của nước này.
Hà Lan là cửa ngõ giao thương của EU bởi nơi đây có nhiều cảng biển lớn, giúp kết nối các cảng biển và các khu công nghiệp với châu Âu. Từ Hà Lan, nhiều hàng hoá xuất khẩu được chuyển sang các nước khác hoặc các khu công nghiệp để sản xuất sản phẩm cuối cùng.
Trước khi ký kết EVFTA, mặc dù có những giai đoạn kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước giảm nhẹ, nhưng Hà Lan vẫn là nước nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam nhiều nhất ở EU. Trong năm 2019, kim ngạch thương mại của Việt Nam với Hà Lan chiếm 12,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với EU. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 6,88 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 661 triệu USD.
4 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan không có nhiều thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan có một số thay đổi đáng kể dưới tác động của EVFTA, khi được hưởng mức thuế suất xuất khẩu bằng 0% hoặc giảm rất sâu.
Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng trong nhóm nông sản như thuỷ sản, hạt tiêu, cao su và gạo đã tăng dưới hiệu lực của EVFTA. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng này sụt giảm do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19.
Nhưng, từ tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng 20,2%, hạt tiêu tăng 20,9%, cao su tăng 11,9% và đặc biệt là gạo tăng tới 83,7% trong khi kim ngạch xuất khẩu hạt điều và cà phê giảm so với cùng kỳ 2019.
Từ khi EVFTA có hiệu lực quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan ngày càng được nâng cao
Mặt khác, một số mặt hàng trong nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng có những thay đổi đáng kể từ sau khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó, hoá chất là mặt hàng có mức tăng đặc biệt cao. Với đà tăng trưởng như vậy.
Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm tỷ trọng 86% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan.
Có được mức tăng trưởng mạnh mẽ như vậy là nhờ các quy định trong EVFTA, khi mà nhiều mặt hàng đã được hưởng mức thuế ưu đãi rất thấp trong chế độ thuế quan phổ cập, nay lại được hưởng mức lãi suất về 0%.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, triển vọng phát triển thương mại, đầu tư của Việt Nam và Hà Lan còn rất lớn. Tuy vậy, thời gian tới chúng ta cần có những điều chỉnh phù hợp nhằm khai thác hết tiềm năng này. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời có những điều chỉnh phù hợp để có thể cạnh tranh hơn về giá.
Ngoài thị trường Hà Lan và Cộng hòa Séc, quan hệ thương mại giữa nước ta với các nước như Đức, Ai-len, Italia, Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha cũng liên tục tăng đáng kể từ ngày EVFTA chính thức được thực thi.
Điều này cho thấy, mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam với các nước trong khối EU đã được nâng lên một tầm cao mới, và sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới khi việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình có hiệu lực, và thế giới qua đi những khó khăn của dịch bệnh cũng như chiến tranh.
Đối với thị trường Đức, một số chuyên gia kinh tế khi trao đổi với Phóng viên Thương Gia đều cho rằng: Việt Nam và Đức đều thu được nhiều lợi ích từ khi EVFTA có hiệu lực. Bởi, tại châu Á ngoài Singapore đã có hiệp định thương mại với Đức, Việt Nam là nước duy nhất có Hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này đã thúc đẩy hoạt động thương mại với khu vực châu Âu nói chung và Đức nói riêng.