Theo Bộ Công thương, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng một lần, nhằm phản ánh kịp thời biến động các thông số đầu vào, tránh "giật cục", gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, người dân.
Tại Nghị quyết 124/NQ-CP phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương trình Thủ tướng trong tháng này sửa đổi các quyết định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nghiên cứu bổ sung đối tượng "cơ sở lưu trú du lịch" áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất.
Bên cạnh nội dung trên, Bộ Công thương được yêu cầu trình Chính phủ, Thủ tướng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cung ứng năng lượng than, dầu, khí thiên nhiên hóa lỏng, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm đúng thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng trong tháng 8/2023.
Ngoài ra, Bộ Công thương khẩn trương đề xuất một số dự án năng lượng để thí điểm thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chậm nhất trong tháng 9/2023.
Bộ Công thương kết luận về vi phạm của EVN
Liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đã lý giải điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần thay vì 6 tháng/lần như hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng một lần, nhằm phản ánh kịp thời biến động các thông số đầu vào, tránh "giật cục", gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, người dân.
Về thẩm quyền điều chỉnh giá, việc quy định EVN có thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ở mức dưới 5% (cụ thể từ 3% đến dưới 5%) đã có từ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng. Quy định này nhằm đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, theo ông Hải, do giá điện là mặt hàng quan trọng, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nên việc thực hiện điều chỉnh giá điện với mức độ, thời điểm điều chỉnh cần phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, kinh tế và xã hội.
Ở lần tăng giá gần nhất (ngày 4/5/2023), giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng với mức tăng 3% so với giá bán trước đó. Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, sau điều chỉnh tăng giá điện, EVN sẽ tăng doanh thu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN từ Bộ Công thương cho thấy năm 2022, EVN ghi nhận lỗ hơn 26.200 tỷ đồng. Tại buổi họp báo công bố cuối tháng 3/2023, ông Nam cho biết, chi phí đầu vào sản xuất điện tăng khá cao, đặc biệt, than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4 - 5 lần, trong khi giá dầu tăng 2 lần… Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 đã tăng gần 9,3% so với năm 2021.
Với khoản lỗ lớn như vậy, việc cân đối tài chính của tập đoàn rất khó khăn, nên EVN đã có đề xuất trình Bộ Công thương, các cấp có thẩm quyền, Chính phủ điều chỉnh giá điện.
EVN cho biết, doanh thu toàn tập đoàn năm 2022 đạt khoảng 471.660 tỷ đồng (tăng gần 7% so với 2021), trong đó doanh thu công ty mẹ EVN đạt 385.680 tỷ đồng (bằng 101% kế hoạch và tăng 11,4% so năm 2021). Tuy nhiên, công ty mẹ - EVN lỗ gần 26.500 tỷ đồng và hợp nhất toàn tập đoàn lỗ khoảng 20.750 tỷ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng cao.
Liên quan tới giá bán lẻ điện, hồi tháng 2/2023, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Tính đến 31/12/2022, tổng số vốn EVN đầu tư tại các công ty con là khoảng 150.870 tỷ đồng, tăng khoảng 1.700 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vốn tại 8 Công ty TNHH MTV do EVN nắm 100% cổ phần khoảng 128.200 tỷ đồng, vốn tại các công ty cổ phần EVN giữ trên 50% vốn điều lệ là 22.678 tỷ đồng.
Năm 2022, dự kiến giá trị cổ tức thu về của EVN tại các công ty cổ phần có vốn góp khoảng 2.766 tỷ đồng, toàn bộ cổ tức trả bằng tiền mặt.
Tweet Theo dõi TheLEADER Từ khóa: điều chỉnh giá điệnEVNBộ Công thươngvi phạmquy hoạch điện VIII