Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã có kết luận sau khi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm tại huyện Lạc Thủy.
Bốn dự án thuộc nhóm này gồm tuyến cáp treo Hương Bình, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy, nhà máy sản xuất vôi bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình và nhà máy Tập đoàn Xuân Thiện Hòa Bình.
Với tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư Công ty TNHH MTV du lịch Thái Bình (thành viên Tập đoàn Thái Bình Dương) đẩy nhanh thi công hạng mục nhà ga, tuyến cáp treo và các hạng mục phụ trợ để đảm bảo đưa vào hoạt động chậm nhất cuối năm 2024.
Đồng thời, nhà đầu tư cần xác định chính xác cơ quan nhà nước có thẩm quyền để trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện dự án, đảm bảo quy định pháp luật.
Dự án khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy do Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thái Bình Dương - Hòa Bình đầu tư. Chủ tịch tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nhà đầu tư phối hợp địa phương khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng của dự án chậm nhất trong năm 2024.
Đồng thời, nhà đầu tư (thành viên Tập đoàn Thái Bình Dương) thực hiện các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền giao đất đợt 1 của dự án để triển khai xây dựng theo tiến độ phê duyệt.
Trường hợp nhà đầu tư khó khăn thực hiện dự án thì đề xuất, trình Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hòa Bình đưa ra khỏi danh sách các dự án trọng điểm.
Hai dự án do Xuân Thiện Hòa Bình đảm nhận cũng được yêu cầu khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng để có thể khởi công trong tháng 2/2025 đối với dự án nhà máy sản xuất vôi bột nhẹ và trình hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối tháng này đối với nhà máy xi măng.
Đây đều là những dự án quy mô lớn, mang tính chất động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Hòa Bình.
Tuy nhiên, do các lý do liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, nên sau nhiều năm vẫn chưa thể bứt tốc như kế hoạch.
Cụ thể, theo UBND huyện Lạc Thuỷ, dự án tuyến cáp treo Hương Bình do Công ty TNHH MTV Du lịch Thái Bình Dương làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 5/2023, hiện đã hoàn thành thi công 12/12 móng cột, móng nhà ga 4 tầng (đầu Hoà Bình), xây thô và hoàn thiện một số hạng mục khác. Dự kiến dự án vận hành vào tháng 1/2025.
Được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 11/2016 và điều chỉnh vào 10/2019, khu du lịch văn hoá và nghỉ dưỡng Lạc Thuỷ (tên cũ là khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy) hiện giải phóng mặt bằng được gần 95% tổng diện tích 114ha. Diện tích còn lại do một số hộ dân chưa đồng ý với đơn giá bồi thường và đồng ý di dời với lý do tâm linh.
Dự án có tổng vốn khoảng 3.040 tỷ đồng, quy mô 120ha, trong đó diện tích đất khoảng 82ha, còn lại là mặt nước. Thiết kế với quy mô đón 10.000 lượt khách/ngày, tương đương ba triệu lượt khách/năm.
Quy mô lưu trú khoảng 5.000 khách/ngày đêm, bao gồm các hạng mục hệ thống giao thông, khu đỗ xe, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự bên núi, biệt thự ven hồ và bên mặt nước, công viên làng du lịch Việt Nam, bảo tàng nguồn cội, khu thể thao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo quyết định điều chỉnh, dự án được chia thành hai phân khu, thực hiện đầu tư bốn giai đoạn. Tháng 3/2025 sẽ hoàn thành đầu tư các hạng mục, đưa dự án vào hoạt động, kinh doanh.
Tương tự, trạng trái chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng cũng diễn ra tại nhà máy sản xuất vôi bột nhẹ Xuân Thiện Hoà Bình do Công ty TNHH Xuân Thiện Hoà Bình là chủ đầu tư. Với tổng diện tích sử dụng khoảng 144ha, trong đó gần 102ha phục vụ xây nhà máy và 42ha xây cảng Xuân Thiện. Hiện cả hai hạng mục đều chỉ đạt tỷ lệ giải phóng mặt bằng chưa tới 80%.
Đối với nhà máy xi măng Xuân Thiện Hoà Bình, diện tích đã giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt khoảng 32% trong tổng gần 78ha.
Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình có tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng với diện tích hơn 166ha, tổng công suất 2,16 triệu tấn sản phẩm/năm. Dự án dự kiến đến tháng 5/2025 hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và sẽ xong giai đoạn 2 vào khoảng một năm sau đó. đến
Tổng mức đầu tư trên 29.800 tỷ đồng, dự án nhà máy xi măng Xuân Thiện Hòa Bình có diện tích sử dụng đất gần 580ha, công suất thiết kế 25.000 tấn clanhke/ngày, tương ứng 10 triệu tấn xi măng/năm, chia thành hai giai đoạn. Dự kiến giai đoạn 1, từ năm 2022 - 2024 và giai đoạn 2 từ năm 2025 - 2028.
Nguyễn Cảnh