Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen

Ngày 25/12, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen
Toàn cảnh cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Bộ, ban ngành Trung ương: Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các Cục, Vụ của Bộ Công Thương và lãnh đạo các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam cùng gần 20 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 2
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các Cục, Vụ báo cáo các nội dung chính của dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen và Kế hoạch phát triển các dự án điện khí, điện gió theo Quy hoạch điện 8, những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần hoàn thiện để có thể thực hiện mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII đề ra và góp ý cho dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 3
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương)

Báo cáo tại cuộc họp Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế triển khai dự án điện khí (bao gồm các khâu: lựa chọn nhà đầu tư; lập, phê duyệt FS; đàm phán hợp đồng mua bán điện; thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng EPC) cần khoảng thời gian từ 7-8 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu trung hoà cacbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 4
Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong

Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong cho biết, hiện chúng ta chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... Điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để bảo đảm mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Tất cả các vướng mắc trên đã làm nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện khí.

Đại diện PV GAS thông tin thêm, cho đến nay Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho chứa và cảng nhập LNG tại khu vực Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của PV GAS đã được hoàn thành và sẵn sàng cung cấp LNG tái hóa cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Các kho cảng khác, bao gồm một số cảng nhập được quy hoạch tích hợp trong các dự án nhiệt điện LNG, hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kể cả các vấn đề về điều kiện kỹ thuật và các quy định có liên quan.

“Như vậy, có thể thấy hạ tầng nhập khẩu LNG còn rất thiếu để bảo đảm mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, việc chưa xem xét để kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện sẽ không tối ưu được nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí tài nguyên cảng biển của Việt Nam”, ông Phong nhấn mạnh.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 5
Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, ngoại trừ Hydrogen, hiện các lĩnh vực liên quan đến thực hiện Quy hoạch điện VIII thuộc trách nhiệm của PVN đều đang được triển khai. Tuy nhiên do thiếu các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư.

Nói về điện gió ngoài khơi, ông Hùng cho hay, do tương đồng với các hoạt động dầu khí ngoài khơi nên được các nước trên thế giới gắn với hoạt động của dầu khí ngoài khơi, như: Khảo sát đáy biển, điều tra thực địa... và điều này PVN hoàn toàn làm được, vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch và chưa có địa điểm, chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đều thống nhất chung ý kiến đó là cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện, tuy nhiên do các vướng mắc liên quan đến rất nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực…), văn bản quy phạm pháp luật khác và liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương, vì vậy, Bộ Công Thương cần có báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền có cơ chế đặc thù để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc chưa được pháp luật quy định.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị phải đẩy mạnh công tác truyền thông để cho xã hội và các cơ quan quản lý hiểu được tầm quan trọng, sự cần thiết trong triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen, cũng như thực tế những vấn đề đang vướng mắc, nhằm tạo sự đồng thuận trong việc tìm ra giải pháp giải quyết phù hợp.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 6
TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: Thời gian qua Bộ Công Thương đã quyết liệt, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ quản lý của Ngành. Tuy nhiên đây là vấn đề khó cần có sự tham gia của các Bộ, ngành.

Do đó, cần lập nhóm chuyên gia của các Bộ, ngành rà soát chính sách liên ngành cùng với các chuyên gia độc lập để có đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, khả thi. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là không xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ và cần có sự giải quyết tổng thể.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 7
TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội

TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đánh giá cao Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp trên. Góp ý về dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TS. Tạ Đình Thi cho rằng: Chiến lược cần đặt trong chiến lược tổng thể năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, trong dự thảo Chiến lược chưa có hiện diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường - đây là cơ quan quản lý, tham mưu xây dựng chính sách về biến đổi khí hậu…

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 8
PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần thiết phải phê duyệt Chiến lược sản xuất hydrogen, phải đẩy mạnh công tác truyền thông để tăng thêm sự hiểu biết của xã hội về lĩnh vực này, nhất là lãnh đạo có thẩm quyền quyết định thì mới đẩy nhanh tiến độ được. Những cam kết quốc tế phải được thực hiện nhanh chóng, trong thời buổi cấp bách, cách tiếp cận về chính sách, thái độ về công việc cũng cần phải được tiếp cận theo cách khác.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 9
TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Dẫn chứng kinh nghiệm thực tiễn tham gia các tổ công tác thời kỳ đổi mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như tham gia tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhiều năm, TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng nhiệm vụ phát triển năng lượng hiện nay rất cấp bách, cần phải có những cách làm mới, quyết liệt, thậm chí có việc phải như “thời chiến”.

Trước tính cấp bách và khẩn trương trong việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, theo TS Lê Đăng Doanh, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, liệt kê các vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ từng vấn đề của từng Bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Chính phủ, từ đó báo cáo lên Quốc hội, Bộ Chính trị để có hướng chỉ đạo giải quyết sớm. Mà trước hết đề nghị giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn.

Đồng thời cần lập nhóm tổng hợp gồm các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế - năng lượng… để cùng phối hợp giải quyết. Mặt khác, cần báo cáo Bộ Chính trị giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện, cơ chế lập các nhóm công tác để tận dụng tiềm năng điện gió và các vấn đề cấp bách khác…

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 10
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam

Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đã nhấn mạnh: Nếu cứ để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch mà Quy hoạch điện VIII cũng như của Ngành đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế.

Chúng ta phải xác định rõ, nếu áp dụng như vậy thì 2 vấn đề sẽ xảy ra đó là EVN thua lỗ và phá sản, hoặc nhà nước phải cấp bù phần giá chênh, hoặc phải có chính sách giảm thuế, giảm phí… làm sao để đảm bảo EVN không bị lỗ do giá bán thấp hơn giá mua. Phải có chính sách giảm thuế, phí làm sao để hạ chi phí. Giá đầu vào do thị trường quyết định, còn giá đầu ra do Nhà nước ấn định thì muôn đời không làm được.

Do vậy, ông Thoả đề nghị sớm sửa Luật Điện lực để đảm bảo giá điện tính đúng, tính đủ. Nút thắt tài chính cụ thể về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả với điện khí và điện gió.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 11
Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Theo ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần phải có một liên kết triệt để liên quan đến các vấn đề triển khai nền tảng, trong đó có các vấn đề đã đặt ra, đã trao đổi ở các diễn đàn khác nhau. Cần phải có nghị quyết triệt để của Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp được triển khai song song với quá trình hoàn thiện các khung khổ pháp lý. Như trao đổi hôm nay thì phải sửa đổi, bổ sung hầu hết từ Luật đầu tư đến Luật điện lực, Luật giá, Luật đấu thầu... Nếu chờ sửa luật sẽ rất lâu. Bộ Công Thương với tư cách là đầu mối cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cần có đề xuất với Quốc hội để có một nghị quyết triệt để về triển khai quyền bình đẳng trong đó có tất cả các nguồn điện như điện gió ngoài khơi, điện khí, điện khí LNG….

Trên cơ sở những nội dung đã được Bộ Công Thương đưa ra thảo luận và lấy ý kiến các đơn vị tại Cuộc họp ngày 15/12/2023 trước đó để bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII cho thấy, việc cần báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có chủ trương về cơ chế chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ các vướng mắc chưa được pháp luật quy định trong quá trình triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi là cấp thiết để đảm bảo thực hiện các dự án theo Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, Hội nghị thống nhất cần sớm báo cáo, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét để có Nghị quyết, chủ trương về cơ chế, chính sách đối với các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 12

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa khẳng định, điện khí và điện gió ngoài khơi là hai nguồn điện rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Đồng thời, chiến lược phát triển Hydrogen là định hướng chính trị và là chiến lược quan trọng, là cơ sở để xây dựng những cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi thúc đẩy triển khai hoạt động sản xuất hydrogen tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng và phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, nguyên liệu hydrogen không chỉ nhằm mục tiêu phục vụ hoạt động phát điện “sạch” trong tương lai, mà còn phục vụ trực tiếp một số ngành, lĩnh vực khác như giao thông…

Nhất trí với các ý kiến của các đại biểu dự họp cho rằng đây là vấn đề “khẩn trương, cấp bách và đặc thù”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, xác đáng của các đại biểu và các chuyên gia tham dự Hội nghị với nhiều giải pháp, đề xuất những cơ chế chính sách cần có và rất cấp bách trong việc phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và Chiến lược sản xuất hydrogen để gỡ khó cho lĩnh vực này khi mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể. Thời gian tới, cần thành lập các tổ công tác, nhóm công tác tập trung vào giải quyết các vướng mắc cho các dự án này, với sự tham gia của cả các chuyên gia đầu ngành và đại diện các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Chuyên gia 'hiến kế' cho chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen 13

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định những vướng mắc của các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi cần được xem xét, giải quyết khẩn trương, đồng bộ

“Những vướng mắc của các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi đều cần phải được xem xét, giải quyết một cách khẩn trương, đồng bộ từ chủ trương đến cơ chế chính sách”, Bộ trưởng khẳng định, đồng thời cho biết để làm được việc này, cần có sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành chức năng và các địa phương liên quan, cùng với nỗ lực của Bộ Công Thương ở vai trò chủ trì.

Bộ trưởng ghi nhận và sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và các chuyên gia tại Hội nghị hôm nay để hoàn thiện đề án, sớm báo cáo Chính phủ, trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành những chủ trương làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp và khả thi; đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ, đóng góp ý kiến của các Bộ, ban, ngành liên quan và các chuyên gia đầu ngành, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên trong thời gian tới.

Trách nhiệm của EVN trước sai phạm của những dự án điện

Trách nhiệm của EVN trước sai phạm của những dự án điện

Không hoàn thành đầu tư nguồn và lưới điện, hàng loạt dự án điện tái tạo hưởng giá FIT sai quy định, bất cập mua bán điện tại một số dự án nguồn điện, kéo dài thời gian chấm thầu, là những vết đen trong hoạt động của EVN suốt quá trình thực hiện quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.

Vướng mắc chuyển đổi xanh ngành công nghiệp xây dựng

Vướng mắc chuyển đổi xanh ngành công nghiệp xây dựng

Chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp, xây dựng là xu hướng bắt buộc trong bối cảnh Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, ngay từ khâu kiểm kê khí nhà kính để có lộ trình giảm phát thải, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã gặp vướng mắc nan giải.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.