Song hành với thách thức, luôn có cơ hội cho Việt Nam trong phát triển xanh. Ảnh: Hoàng Anh.
Hướng đi khác thường
Việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 tại COP 26 được TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá như một quyết định "gây sửng sốt".
Sửng sốt là vì đây là mức cam kết tương đương với các nước phát triển như Mỹ và Canada. Thậm chí, nhiều nước lớn cũng đặt mục tiêu xa hơn như Ấn Độ cam kết Net Zero vào năm 2070, Trung Quốc vào năm 2060.
Ông Thiên đánh giá, đây là mục tiêu lớn, rất thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Thách thức trước hết là ở phương thức phát triển. Theo ông Thiên, lựa chọn xanh khiến Việt Nam từ nay đến năm 2045 sẽ phải phát triển theo hướng đi "khác thường" so với giai đoạn trước đây.
Lựa chọn xanh của doanh nghiệp bất động sản
Nền kinh tế sẽ không đi theo hướng cũ là thâm dụng lao động rẻ mà hướng tới phát triển khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Phương thức phát triển cũng thay đổi theo hướng xanh là chủ yếu. Nguồn lực cho tăng trưởng cũng sẽ rất khác so với trước đây. Mặt khác, Việt Nam còn phải chống chịu với thách thức hơn nhiều so với các nước, đó là biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, khó khăn về vốn là vấn đề nan giải. Việc giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cần sự đầu tư đáng kể từ khu vực nhà nước và tư nhân.
Ông Thiên cho rằng, rất khó định lượng các khoản đầu tư cần thiết cho tăng trưởng xanh vì việc này đòi hỏi phải xác định và tính toán được chi phí của các biện pháp thích ứng không chỉ ở các ngành kinh tế khác nhau mà còn ở các khu vực địa lý cụ thể.
Với tổng giá trị tài sản thương mại và công nghiệp dễ bị tổn thương với rủi ro biến đổi khí hậu ở Việt Nam ước tính khoảng 300 tỷ USD, tổng chi phí cải thiện khả năng chống chịu của các tài sản này với biến đổi khí hậu và giảm phát thải sẽ lên tới 228 tỷ USD trong cả giai đoạn 2022-2050. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã ước tính các chi phí đó hàng năm vào khoản 3-4% GDP trong giai đoạn 2021-2025.
Do đó, có thể Việt Nam sẽ cần 200-300 tỷ USD vào năm 2030 để đầu tư cho phát triển xanh, đây là chi phí rất lớn, ông Thiên nhận định.
Theo vị chuyên gia này, trong nhiều năm qua, nguồn lực cho tăng trưởng xanh của Việt Nam đã bắt đầu được chú trọng. Song do xuất phát điểm thấp, nên quy mô vốn đến hiện nay chưa đáng kể, nhiều kênh huy động nguồn lực chưa được khơi thông gây rào cản cho tăng trưởng xanh.
Đó là chưa kể đến hàng loạt các điều kiện khác nếu Việt Nam muốn chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 như sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách, đầu tư xứng đáng cho đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, hợp tác quốc tế để thu hút vốn xanh, công nghệ xanh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm xanh...
Đồng quan điểm, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cũng cho rằng, tầm nhìn xanh đang là mối quan tâm của toàn cộng đồng, nhưng phát triển xanh ở Việt Nam đang có hai thách thức lớn.
Thứ nhất là về nguồn vốn, theo WorldBank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt Net Zero.
Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30/6/2023 còn khá khiêm tốn, đạt gần 528 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Do đó việc tìm nguồn vốn cho phát triển xanh là thách thức không hề đơn giản.
Đáng chú ý, hiện nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh cũng không còn rẻ nữa. Thậm chí, nguồn vốn trong nước còn rẻ hơn quốc tế do lãi suất của FED, các nước châu Âu ở mức rất cao.
Về nguồn vốn, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc khối khách hàng doanh nghiệp lớn Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho biết, sau khi Thủ tướng công bố phấn đấu đạt Net Zero tại COP 26, HSBC đã cam kết thu xếp 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững cho Việt Nam. Tuy nhiên, hiện đơn vị này mới thu xếp được 2 tỷ USD cho thị trường Việt Nam.
Thách thức thứ hai theo ông Nam là về năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin.
Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi xanh là rất thách thức đối với các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chuyển đổi do hạn chế về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.
Lấy ví dụ tại Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững chia sẻ, khi bắt tay vào phát triển xanh, công ty đã gặp những khó khăn rất lớn.
Duy Tân bắt đầu tìm hiểu về công nghệ từ năm 2016, bắt đầu xây dựng từ năm 2019 và vận hành từ năm 2021. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn là khái niệm mới nhiều người không biết đến. Nhựa tái sinh trên thế giới cũng đắt hơn khá nhiều, thậm chí đắt hơn tới 40-50%. Do đó, doanh nghiệp ít sử dụng là điều khá dễ hiểu.
"Chúng tôi may mắn là đã có thị trường cả trong nước và nước ngoài, nhưng về mặt kinh doanh, chúng tôi chưa có lãi. Đây là bài toán khó. Kinh tế tuần hoàn thực sự thách thức vì chi phí đầu tư tái chế công nghê cao rất lớn, người tiêu dùng chưa đón nhận, khách hàng chưa sẵn sàng", ông Lê Anh cho hay.
Cơ hội "đi sau về trước"
Song hành với thách thức, ông Nam cho rằng, luôn có cơ hội cho Việt Nam trong phát triển xanh. Theo đó, chuyển đổi xanh sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong tương lai và thực thi các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững.
Việt Nam cũng có thể tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh còn giúp thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh giúp tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động, các chuẩn mực quản trị điều hành. Từ đó, doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đặc biết các thị trường yêu cầu có chứng chỉ xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Còn theo ông Thiên, phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng theo hướng xanh hóa đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, trở thành một ưu tiên trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chọn lựa xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển nhanh và bền vững.
"Người đi đầu sẽ có gian khổ nhưng cũng là người có lợi đầu tiên. Đó là lợi ích cho người dân Việt Nam đầu tiên. Đó cũng là cơ hội để chúng ta tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ… Với những yếu tố thuận lợi này, Việt Nam có thể đi sau về trước", ông Thiên nhận định.
Việt Nam cần tập trung theo đuổi xu hướng này, để có thể hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.
Bên cạnh đó, việc theo đuổi mục tiêu Net Zero sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới và sạch; đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, quy trình, tổ chức - mô hình quản lý, sản xuất; mở thị trường mới, cấu trúc lại thị trường ngành, triển khai các hoạt động truyền thông quảng cáo mới.
Đây là hướng đi bền vững cho các doanh nghiệp muốn phát triển trong dài hạn, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Để thúc đầy tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 ở Việt Nam, ông Thiên cho rằng, Chính phủ cần xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững.
Theo đó, Việt Nam cần phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường, xây dựng và hoàn thiện các công cụ thuế đối với các hoạt động hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.
Thứ hai, Chính phủ cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh. Danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh cần sớm xây dựng nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao
Thứ ba, tín dụng xanh và ngân hàng xanh cần được rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020; cũng như quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Thứ tư, Chính phủ cần có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh cho các doanh nghiệp. Việc huyển đổi số, hoàn thiện cơ sở thông tin, dữ liệu cần được ứng dụng để tăng cường cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các tiêu chí xanh, nguồn lực tài chính xanh và các chương trình hợp tác quốc tế về phát triển bền vững.
An Chi