Trong danh mục cảng cạn Việt Nam vừa mới công bố, có thêm 3 cảng cạn mới là Thạnh Phước, Nam Đình Vũ (giai đoạn 1) và Phú Mỹ (giai đoạn 1).
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa công bố Danh mục cảng cạn Việt Nam với 14 cảng cạn. Danh mục các cảng cạn gồm: Cảng cạn (ICD) Hải Linh; Cảng cạn Km 3+4 Móng Cái; Cảng cạn Tân Cảng; Cảng cạn Đình Vũ; Cảng cạn Hoàng Thành; Cảng cạn Long Biên; Cảng cạn Tân Cảng; Cảng cạn Phúc Lộc; Cảng cạn Tân Cảng Nhơn Trạch; Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ; cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1; Cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn 1); Cảng cạn Thạnh Phước và cảng cạn Nam Đình Vũ (giai đoạn 1).
Như vậy, so với Quyết định 506/2023 của Bộ GTVT về việc công bố Danh mục cảng cạn Việt Nam, danh mục mới đã bổ sung 3 cảng cạn mới gồm cảng cạn Thạnh Phước, cảng cạn Nam Đình Vũ (giai đoạn 1) và cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn 1).
Trong đó, cảng cạn Thạnh Phước nằm tại vị trí số 207, ĐT747A, tổ 1, khu phố Tân Lương, phường Thạnh Phước, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước.
Cảng mang ý nghĩa khai thông đường thủy, mở ra cửa ngõ thông thương hàng hóa giữa tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành khác trong cả nước, giúp việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp được thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn 1) nằm tại khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng có quy mô 37,8ha, gồm 6 bến cảng, có khả năng kết nối đường thủy tới các cảng biển, ICD trong khu vực cũng như các vùng cung ứng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cả nước về khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Cảng cạn Nam Đình Vũ (giai đoạn 1) thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần ICD Nam Đình Vũ.
Cảng kết nối thuận tiện đến các khu công nghiệp (Nam Đình Vũ, Minh Phương, Deep C...), các trung tâm logistics, cảng Quốc tế Lạch Huyện và nhiều cảng biển khác của Hải Phòng để tạo điều kiện thuận lợi luân chuyển hàng hóa tới các tỉnh/thành phố... trong cả nước và ra quốc tế.
Cục Hàng hải Việt Nam được giao trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nghị định số 38/2017 của Chính phủ về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn và các quy định của pháp luật có liên quan.
Ngày 22 tháng 8 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 979/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.
Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu Teu/năm.
Định hướng đến năm 2050 phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng từ 27,4 đến 42,38 nghìn tỷ đồng.
Ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nguyễn My