Hiệp hội bất động sản TP.HCM vừa có đề xuất để bảo đảm thực hiện Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết mới) đạt hiệu quả cao nhất và được sự thấu hiểu, ủng hộ, đồng thuận của người dân…
Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề xuất 2 điều giúp Nghị quyết mới của TP.HCM đạt hiệu quả
Cụ thể, Hiệp hội bất động sản TP.HCM vừa gửi Công văn số 96/2023/CV-HoREA cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban nhân dân TP.HCM. Trong đó, nêu rõ 2 điều cần thực hiện giúp cho Nghị quyết mới của thành phố sớm đạt được hiệu quả.
Thứ nhất, Nghị quyết mới cho phép TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.
Từ đó, TP.HCM sẽ sớm thực hiện được việc nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa một số tuyến đường chính hiện hữu đang bị “thắt cổ chai”, thường xuyên bị ùn tắc giao thông, ví dụ như đoạn Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước trong khi đó phía đại lộ Bình Dương rất thông thoáng.
Song, để tránh xảy ra tình trạng “xung đột lợi ích” giữa nhà đầu tư nâng cấp, mở rộng công trình đường bộ hiện hữu với người dân và người sử dụng dịch vụ, HoREA đề nghị UBND thành phố sẽ có các giải pháp để thực hiện yêu cầu của Nghị quyết mới là “các dự án đầu tư theo hình thức này phải đảm bảo quyền lợi của người dân” và “HĐND tổ chức giám sát đảm bảo quyền lợi của người dân. UBND thực hiện đầy đủ, công khai minh bạch các thông tin về dự án để thuận lợi cho người dân giám sát”.
Thứ hai, Nghị quyết mới cho phép thành phố được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhằm áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong trường hợp bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay thì Hiệp hội nhận thấy, do một số quy định pháp luật hiện hành chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất nên bảng giá đất của thành phố chưa thu thập được thông tin thị trường đầy đủ, chính xác, cập nhật theo thời gian thực, chưa xây dựng được giá đất đến từng thửa đất.
Công văn số 96/2023/CV-HoREA
Do vậy, rất khó đáp ứng yêu cầu “bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất” của Nghị quyết để thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP.HCM áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất.
Hơn nữa, phạm vi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất của Nghị quyết đã loại trừ trường hợp sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Nên trong quá trình góp ý xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hiệp hội đề nghị UBND thành phố tiếp tục đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép thành phố được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn theo Báo cáo số 477/BC-UBND ngày 17/2/2022 của UBND TP.HCM để “công thức hóa” việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các dự án có sử dụng đất.
Điều này, vừa đảm bảo không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, vừa tránh được “rủi ro pháp lý” trong thi hành công vụ cho cán bộ, công chức và người liên quan.
Đồng thời, tại Công văn trên, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác cũng được áp dụng một số cơ chế đặc thù của Nghị quyết để giải quyết các vướng mắc tương tự như TP.HCM.