Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm việc với tỉnh Hòa Bình về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó thiên tai.
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho biết: Địa hình Hòa Bình bị chia cắt; toàn tỉnh có 135 điểm nguy cơ cao về sạt lở, 13 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét. Tỉnh cũng có hơn 140 hồ đập xuống cấp; 15 tỉnh lộ có nguy cơ sạt lở,…
Chủ động ứng phó cơn bão số 3, lần đầu tiên tỉnh di dời hơn 1.300 hộ gia đình ra khỏi những nơi nguy cơ cao đến nơi an toàn; tỉnh cũng cho học sinh nghỉ đến hết thứ Hai (khi nước rút khỏi các ngầm tràn); dừng các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời…
Trước tình hình mưa bão vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện sơ tán 1.228 hộ dân đến nơi trú ẩn an toàn (thành phố Hòa Bình 236 hộ; Lương Sơn 45 hộ; Cao Phong 82 hộ; Tân Lạc 154 hộ; Mai Châu 57 hộ; Kim Bôi 30 hộ; Lạc Thủy 134 hộ; Yên Thủy 60 hộ; Lạc Sơn 125 hộ; Đà Bắc 305 hộ).
Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, phân công cụ thể lãnh đạo tỉnh phụ trách từng địa bàn, các lực lượng chủ chốt ứng trực 100% quân số, để ứng phó bão theo phương châm 4 tại chỗ.
Tỉnh Hòa Bình đề xuất phải xây dựng chiến lược về phòng chống bão lũ và biến đổi khí hậu cho toàn quốc để đầu tư nguồn lực một cách tổng thể, tránh "ăn đong" trong công tác ứng phó thiên tai, nhất là khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Bắc.
Hòa Bình cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan có liên quan xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc thiên tai, sạt lở… để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát sạt trượt; giảm thiểu tác động của thiên tai đối với đời sống con người.
Đồng thời, có cơ chế chính sách di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, xây dựng khu tái định cư để di dân tập trung; hỗ trợ các tỉnh miền núi phía bắc xây thêm các cầu để thay thế các ngầm, cũng như đê kè chống sạt lở,… để giảm bớt nguy hiểm cho người dân.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đang dồn toàn lực để khắc phục sớm nhất hậu quả bão số 3, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Phó Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Hòa Bình đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, giảm thiểu hậu quả do bão số 3 gây ra và kịp thời khắc phục hậu quả.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc hỗ trợ kinh phí phòng chống thiên tai; kinh phí giúp người dân khôi phục sản xuất kinh doanh; bảo đảm thực phẩm… theo tinh thần không để người dân không có cái ăn, không có chỗ.
Về những việc cần làm, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh Hòa Bình khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường, "việc khắc phục sạt lở đường xá phải làm khẩn trương, hiệu quả".
"Phải khắc phục ngay, nhanh nhất hệ thống đường sá, điện, viễn thông, trường học, bệnh viện,… bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ sau bão", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời phải làm và sửa chữa ngay nhà cho người dân có nhà bị sập đổ, ảnh hưởng do bão. "Đã làm phải đàng hoàng và bảo đảm an toàn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình phải tập trung nghiên cứu, triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở hiệu quả để bảo đảm đời sống an toàn, ổn định lâu dài cho người dân…
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã khảo sát trực tiếp các điểm sạt lở trên địa bàn huyện Đà Bắc và đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình nạn nhân vụ sạt lở; động viên thân nhân gia đình sớm vượt qua đau thương, mất mát.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình có các biện pháp hỗ trợ để gia đình sớm ổn định cuộc sống.
Khảo sát các điểm sạt lở, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị tỉnh Hòa Bình tiếp tục khảo sát các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp hợp lý, bảo đảm an toàn cho người dân.
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to, lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động đo được lớn nhất đạt 447,8 mm. Tuyến đường tỉnh 433 bị sạt lở nhiều gây tắc đường.
Các tuyến đường tại các huyện đã xảy ra tình trạng sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ. Đặc biệt nghiêm trọng, vào khoảng 0h ngày 8/9, tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã xảy ra sạt lở đất từ trên đồi vào nhà của gia đình ông Xa Văn Sộm (sinh năm 1973) làm ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Vụ sạt lở đã làm 4 người tử vong, 1 người bị thương.