Lượng nước tại các hồ thuỷ điện ở miền Bắc bắt đầu dồi dào trở lại. Tuy nhiên, với các đợt cao điểm sắp tới, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc vẫn có thể xuất hiện...
Từ đầu tháng 6 tới nay, người dân Hà Nội cũng như 26 tỉnh thành tại khu vực miền Bắc thường xuyên bị mất điện.
Tại miền Bắc, hệ thống điện có công suất lắp đặt là 29.500 MW, công suất khả dụng (gồm cả điện nhập khẩu) chỉ đạt 17.500-17.900 MW. Đó đó, tình trạng mất điện trên diện rộng sẽ xảy ra khi nhu cầu sử dụng điện vượt 20.000 MW.
Thủy điện thoát mực nước chết
Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), thủy điện chiếm khoảng 43% sản lượng điện cung cấp cho miền Bắc. Trong năm nay, sản lượng điện từ thủy điện sụt giảm 5.000 MW vì phần lớn các sông, hồ thuộc miền Bắc đều rơi vào tình trạng thiếu nước, một số hồ thậm chí trơ đáy.
Tuy nhiên, trong một tuần trở lại đây, tình hình thủy điện đã khả quan hơn. Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, mực nước hiện tại của các hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang và Bản Chát đều đã tích được cao hơn mực nước chết từ 4 đến 7m. Riêng hồ thủy điện Lai Châu có sức chứa nhỏ nên mực nước hồ cao hơn mực nước chết khoảng 15m.
Song ông Hoà cũng lưu ý thêm: "Dù đã thoát khỏi mực nước chết, những hồ thủy điện này vẫn đang hạn chế huy động và phát điện cầm chừng nhằm dự phòng cho đợt nắng tiếp theo".
lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện lớn khu vực miền Bắc trong ngày 19 và 20/6
Bộ Công thương cho biết, năm nay miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, nên lưu lượng nước về các hồ tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421 triệu kWh/ngày.
Trong trường hợp cực đoan không có lũ về, khu vực miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Tuy nhiên, nguy cơ các thủy điện vận hành vẫn còn hiện hữu. Bởi nếu hoạt động hết công suất, thủy điện Sơn La chỉ duy trì hơn 50 giờ đồng hồ sẽ về mực nước chết, thủy điện Lai Châu được khoảng 90 giờ đồng hồ. Vì vậy, hai thủy điện này vẫn dừng vận hành để tích nước, phục vụ những ngày nắng nóng sắp tới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, những ngày tới khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, tập trung vào chiều tối và đêm. Mưa to sẽ giúp các hồ thủy điện ở miền Bắc tăng thêm lượng nước để phát điện trong những đợt nắng nóng tới.
Nhiệt điện cam kết cung ứng điện
Nhiệt điện chiếm hơn 48% sản lượng điện cung cấp cho miền Bắc. Nhưng thời gian vừa qua nhiều nhà máy nhiệt điện đã phải hoạt động hết công suất và có nguy cơ cao sẽ gặp sự cố vì phải vận hành liên tục.
Quảng cáo
Hiện, danh sách các tổ máy phải tạm dừng để bảo dưỡng gồm 3 tổ máy của các nhà máy nhiệt điện Phả Lại (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Vũng Áng 1 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và Cẩm Phả (thuộc Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam)...
Sản lượng nhiệt điện miền Bắc trong ngày 19 và 20/6 Công suất lớn nhất của nhiệt điện miền Bắc trong ngày 19 và 20/6
Số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 20/6, tổng sự cố dài ngày các tổ máy nhà máy nhiệt điện than lên đến 2.100 MW. Tổng sự cố ngắn ngày 880 MW, gồm: nhà máy điện Nghi Sơn tổ máy S1 đến ngày 21/6, Thăng Long tổ máy S1 đến 10h ngày 21/6, tổ máy L1B-S1 của nhà máy điện Mông Dương 1 đến hết ngày 21/6.
Ngược lại, trong thời gian qua cũng có nhiều tổ máy đã sửa chữa xong và có thể phát điện trở lại, như 2 tổ máy của Nhiệt điện Nghi Sơn và Nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành trở lại cung cấp cho lưới điện miền Bắc thêm 20 triệu kWh mỗi ngày.
Về việc cung ứng than, EVN cho biết nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than trên cả nước đã được đảm bảo. Tồn kho than tại các nhà máy hầu hết đều ở mức trên một tuần vận hành.
Mới đây, trong Hội nghị Vận hành sản xuất các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Bắc, 24 chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than tại miền Bắc đã cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo các nhà máy điện than hoạt động ổn định.
Nhận điện "tiếp viện" của miền Trung và miền Nam
Lượng điện chuyển ra Bắc qua đoạn đường dây mạch kép 500kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn đã tăng vọt trong tháng 5 và 6, từ mức 2.100 đến 2.200MW lên 2.500 đến 2.700MW.
Nhưng hiện cũng chỉ đáp ứng 11% nhu cầu, do khó khăn trong điều phối, vận hành an toàn đường dây. Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã phải khẩn cấp đưa vào một loạt hệ thống tự động giám sát vận hành để kịp thời theo dõi, giữ ổn định.
Công suất lớn nhất của đường truyền tải Trung - Bắc trong ngày 19 và 20/6
Sản lượng điện mà đường truyền tải 500kW Nho Quan - Nghi Sơn cũng được đẩy lên, với mức thấp nhất là 34,2 triệu kW vào ngày 15/6 và cao nhất là ngày 17/6 với mức 43,4 triệu kWh.
Sản lượng của đường truyền tải Nho Quan - Nghi Sơn 2 cung cấp cho miền Bắc
Tuy nhiên, nguồn điện từ miền Trung "tiếp viện" cho miền Bắc là không nhiều, do các vấn đề về hạ tầng truyền tải điện chưa đảm bảo. Mới đây, ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung có cuộc họp khẩn triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa nhằm cung cấp kịp thời lượng điện năng cho miền Bắc, tuy nhiên để hoàn thành cũng phải tới giai đoạn 2025-2030.
Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên và khép kín mạch vòng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030. Trước tình thế cấp bách hiện nay, EVN đã giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ngay dự án này. Lãnh đạo EVN cho biết, nếu dốc sức làm thì có thể có thêm 1.000-1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc, song cũng dự báo rằng việc hoàn thành hệ thống truyền tải mạch 3 sẽ gặp nhiều khó khăn và cần thời gian.