Phát triển kinh tế xanh cần sự đồng hành từ nhiều phía

Sáng nay, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" đã diễn ra, với nhiều ý kiến đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế xanh của Việt Nam…

Kinh tế xanhÔng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Năm 2022 là một năm kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Phát triển nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%, GDP bình quân/người hơn 4.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,5%.

Trong đó, vốn FDI giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỷ USD.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, đã có hơn 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tăng 19,8%. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được đẩy nhanh tiến độ.

Cùng với các tín hiệu khả quan nêu trên, vị trí của Việt Nam trên hàng loạt các bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể, nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là "điểm sáng trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, sự phục hồi và phát triển kinh tế sẽ theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu chung của phát triển kinh tế Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình phát triển xanh và bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; đề án phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thách thức hiện nay là không nhỏ. Bởi mức độ hiểu biết, quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam đang rất hạn chế.

Trong khảo sát doanh nghiệp của VCCI cho thấy mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh song mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường, dù đến 68% doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, mức độ tuân thủ quy định môi trường chưa cao dù đang được cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường, cho rằng quy mô quá nhỏ để gây hại cho môi trường, nhiều doanh nghiệp không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp. Chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn cao không hợp lý khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm trước mắt.

Ngoài ra, mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng 1/2 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Giải pháp phát triển kinh tế xanh

Để khắc phục những hạn chế, hiện thực hóa các định hướng phát triển và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI có một số kiến nghị.

Kinh tế xanhÔng Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Thứ nhất, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường. Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chứng minh rằng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật sẽ giúp tăng cường mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.

Thứ hai, tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về môi trường, phát triển bền vững. Các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Cần chú trọng truyền thông chính sách trong lĩnh vực này như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tăng trưởng xanh, khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch.

Thứ tư, theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. Bên cạnh hoàn thiện khung khổ chính sách thì thúc đẩy thực thi chính sách cũng hết sức quan trọng.

Thứ năm, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực.

Do đó, các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán các-bon…

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

"Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Cuối cùng, trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố rất bất ổn, Việt Nam cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết ổn định chính sách trong nước, lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong thời gian tới.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.