UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung phát triển thêm gần 5.000MW điện đến năm 2030 từ các dự án điện LNG, điện mặt trời mái nhà, điện gió gần bờ và thủy điện.
Góp ý gửi Bộ Công thương về kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị bổ sung dự án nhà máy điện khí LNG 3.200MW tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành vào các vị trí tiềm năng, dự phòng cho các dự án chậm hoặc không thể triển khai.
Vị trí phát triển này không nằm trong tờ trình hồi tháng 10 của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ.
Về điện mặt trời mái nhà, khu vực Trung Trung Bộ có tiềm năng phát triển 3.890MW. Với khoảng 1.700ha đất quy hoạch cụm công nghiệp và khoảng 5.000ha đất quy hoạch khu công nghiệp, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm công suất 500MW nguồn điện mặt trời mái nhà đến năm 2030.
Tiếp đó, dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII lần gần nhất không đề cập tới chỉ tiêu điện gió trên bờ tại Quảng Nam. Do đó, UBND tỉnh đề nghị bổ sung 300MW điện gió trên bờ phát triển đến năm 2030.
Tỉnh cũng cho biết có một số doanh nghiệp đăng ký nghiên cứu phát triển điện gió gần bờ như Công ty TNHH năng lượng Trung Du Xanh với dự án điện gió TDX Quảng Nam 1.000MW.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị bổ sung thêm khoảng 80MW thủy điện nhỏ và 50MW điện sinh khối trong thời gian từ nay đến 2030.
Hiện nay, theo quy hoạch được duyệt, Quảng Nam có khoảng 570MW thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó, tính đến tháng 10/2023, khoảng 369MW đã vận hành phát điện, khoảng 128MW đang thi công xây dựng và 72MW đã cấp chủ trương đầu tư. Dự kiến đến hết năm 2030, toàn bộ 570MW thủy điện vừa và nhỏ đều đi vào vận hành phát điện.
Hiện một số nhà đầu tư cũng có đề xuất phát triển các nguồn thủy điện nhỏ tại địa phương này bao gồm các dự án nguồn điện từ các hồ chứa thủy lợi đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, lưới đấu nối với công suất khoảng hơn 150MW, giai đoạn đầu tư là 2024-2030.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 33 công trình nguồn điện đã vận hành phát điện với tổng công suất thiết kế khoảng 1.586MW, gồm 28 công trình thủy điện thuộc quy hoạch, 4 công trình thủy điện nhỏ không thuộc quy hoạch với tổng công suất là 8,9MW và nhà máy nhiệt điện Nông Sơn 30MW.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã có 1.412 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt khoảng 164.500kWp.
Ngoài ra, quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn có các dự án điện sinh khối và điện khí, tuy nhiên, các dự án này đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư hoặc vẫn chưa được khởi công xây dựng.
Quảng Nam là địa phương không có quy hoạch và phát triển các nguồn năng lượng về gió, điện mặt trời, địa nhiệt, điện sóng cũng như không có định hướng phát triển năng lượng nguyên tử trong tương lai.
Trong buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ‘’Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021’’ với tỉnh Quảng Nam mới đây, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội cho rằng, tỉnh cần nghiên cứu thêm để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, hướng tới tiếp cận nguồn năng lượng xanh.
Tuy nhiên, cần lưu ý việc xử lý, thu gom pin hỏng, tránh gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Còn theo đại biểu Dương Văn Phước, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, thời gian tới, điện mặt trời chính là cứu cánh trong bối cảnh khan hiếm năng lượng nhưng cơ chế vẫn còn nhiều vướng mắc.
Nguyễn Cảnh